Gian hàng '0 đồng'

Những cái quần, tấm áo, đôi giày, túi xách 'cũ người mới ta' cứ lần lượt được san sẻ đến hàng chục người dân mỗi ngày tại khuôn viên một giáo xứ giữa lòng Sài Gòn. Gần như ai đến đây cũng chọn được ít nhất một món quà vừa ý cho mình từ nghĩa cử đẹp của bao tấm lòng.

Người dân chọn lựa những món đồ mình thích tại gian hàng. Ảnh: NGÔ TÙNG

Người dân chọn lựa những món đồ mình thích tại gian hàng. Ảnh: NGÔ TÙNG

“Cũ người mới ta”

Nằm ở khu vực gần cổng ra vào, gian hàng “0 đồng” của giáo xứ Tân Sa Châu trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TPHCM đã trở thành điểm hẹn ấm lòng với bao người. Ba tháng nay, cứ mỗi sáng sớm thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, các thành viên trong giáo xứ cẩn thận treo lên giá từng chiếc quần, cái áo; còn những chú gấu bông, cặp xách hoặc giày dép thì được đặt gọn gàng trên chiếc bàn bên cạnh. Tất cả những vật dụng ấy được sắp sẵn để bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể mang về.

Ông Trần Viết Hợp, Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Tân Sa Châu cho biết, thực ra gian hàng “0 đồng” này đã hoạt động từ năm 2016, tuy nhiên lúc đó chỉ phục vụ được một số ít người trong thời gian hạn chế, bởi nguồn lực huy động chỉ giới hạn trong nội bộ bà con giáo dân. Giờ đây, thông qua mạng xã hội, việc làm của chúng tôi được nhiều người biết và cũng nhờ đó mà nguồn lực sẻ chia trở nên phong phú hơn.

“Xuất phát từ tình yêu thương, bác ái khi thấy nhiều người ăn mặc rách rưới, cha chánh xứ và cha phó đã động viên bà con giáo dân đóng góp, ủng hộ để chia sẻ lại với những hoàn cảnh còn khó khăn, túng thiếu. Đa phần người đến nhận là người lao động làm nghề chạy xe ôm, mua bán ve chai, bán vé số, người nuôi bệnh, người lang thang cơ nhỡ”, ông Trần Viết Hợp nói.

Cũng theo vị chức sắc giáo xứ Tân Sa Châu, sau khi tiếp nhận đồ đạc từ các mạnh thường quân, anh em trong giáo xứ phân loại, chọn lọc cái nào sạch đẹp thì mới đưa ra trưng bày, cái nào dính bẩn hoặc không phù hợp thì đem đi giặt giũ hoặc loại bỏ để người nhận cảm thấy vui vẻ.

Ấm lòng người lao động nghèo

Trưa ngày cuối tháng 7, khuôn viên giáo xứ rộn rã hẳn bởi lúc này có không dưới 10 người lao động nhiều ngành nghề quây quần bên gian hàng để chọn cho mình những món đồ thích hợp.

Tấp chiếc xe hàng vào trước cổng, bà Võ Thị Quy (quê Quảng Ngãi) cùng người bạn nghề bước vào gian hàng chọn đồ. Chọn được hai cái áo khoác, bà Quy phấn khởi cho biết với người lao động như bà có cái áo khoác để che nắng, mưa là rất ý nghĩa. “Công việc mua bán ve chai, thu nhập thấp nên cả gia đình phải chắt bóp nhiều khoản chi tiêu. Đỡ được khoản tiền mua cái áo, mình có thể dùng đồng tiền ấy mua thêm đồ ăn, vật dụng cho con cái”, bà Quy bộc bạch và cho biết, ngoài chọn riêng cho mình chiếc áo, bà còn kiếm thêm cho chồng cái áo khác để ông xã có thêm trang phục mặc trong những ngày chạy xe ôm.

Biết được việc làm ý nghĩa của giáo xứ, cô bạn trẻ 9x Lê Bảo Khánh (ngụ quận Bình Tân) đã chở một túi quần áo đến quyên tặng. Bảo Khánh nói những bộ đồ này là quần áo của các thành viên trong gia đình. Do ít mặc, soạn ra thấy dư nên đem tặng những người có nhu cầu cho đỡ phí phạm. “Mình biết nhiều người còn thiếu thốn lắm, nhưng vì thường là nơi xa xôi nên chưa có dịp chia sẻ, nay biết được ở giáo xứ có gian hàng này nên mình mang đến chia sẻ với mọi người luôn. Giúp họ có cái áo ấm mình cũng thấy vui hơn”, Lê Bảo Khánh chia sẻ.

Là người tích cực phụ giúp, điều phối hoạt động của gian hàng, anh Nguyễn Trung Hiếu cho hay, không chỉ người dân ở gần giáo xứ, mà cả những người ở xa cũng tìm đến để kiếm cho mình một món đồ. Do đó, dù đôi khi hết giờ phục vụ, nhưng thấy họ ở xa đến nên các anh em cũng vẫn mời họ vào chọn đồ. Cũng theo anh Hiếu, có những người lợi dụng chọn nhiều đồ cho mình, vì thế anh em phụ trách gian hàng đều nhắc nhở để họ hiểu và nhường phần cho những người khác khó khăn hơn.

“Làm công việc này nếu nói không mệt thì thực sự là nói sáo. Mệt thì mệt thật, nhưng bản thân tôi thấy thoải mái, vui vẻ trong lòng vì mình cùng các mạnh thường quân đã góp sức san sẻ, mang niềm vui đến với nhiều người khó khăn trong xã hội”, anh Nguyễn Trung Hiếu nói.

Xây nhà tình thương từ cà phê sáng

Ngoài gian hàng vật dụng tặng người nghèo, hơn 10 năm nay, giáo xứ Tân Sa Châu còn tổ chức các bữa ăn nhân ái. Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Tân Sa Châu, ông Trần Viết Hợp cho biết, đều đặn 5 ngày mỗi tuần, giáo xứ phục vụ 250 phần cơm trưa chu đáo cho những người lao động nghèo. Trong đó, khoảng nửa số cơm trưa này được chia sẻ với bệnh nhân ở Bệnh viện Mắt TPHCM và Bệnh viện Trưng Vương.

Ngoài ra, giáo xứ Tân Sa Châu còn tổ chức mô hình “cà phê sáng” để gây quỹ từ thiện xây nhà tình thương. Duy trì từ năm 2010 đến nay, mỗi buổi sáng Chủ nhật đã trở thành điểm hẹn của những tấm lòng thiện tâm. Họ ngồi lại cùng nhau uống ly cà phê trong khuôn viên giáo xứ, những tấm lòng nhân ái không phân biệt là người lương hay người có đạo, tùy lòng hảo tâm mà đóng góp vào một nguồn quỹ từ thiện. Từ nguồn quỹ này, giáo xứ dùng làm kinh phí xây cầu, xây nhà tình thương ở các vùng sâu, vùng xa.

Từ mô hình “cà phê sáng”, đến nay, giáo xứ Tân Sa Châu đã góp phần xây dựng được 12 căn nhà tình thương và 2 cây cầu ở các tỉnh Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk… với tổng giá trị 1 tỷ đồng.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/gian-hang-0-dong-1450434.tpo