Gián đoạn bất ngờ của thị trường dầu mỏ và những yếu tố có lợi cho Tổng thống Trump

Một sự gián đoạn bất ngờ và tồi tệ nhất từ trước đến nay đối với thị trường dầu mỏ, làm gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu, nhưng dường như không hẳn là toàn bất lợi đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hình ảnh được cung cấp bởi Chính phủ Hoa Kỳ và DigitalGlobe cho thấy thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng tại mỏ dầu của Saudi Aramco tại Kuirais. (nguồn: AP)

Một sự gián đoạn bất ngờ và tồi tệ nhất từ trước đến nay đối với thị trường dầu mỏ, vượt qua cả sự thiếu hụt nguồn cung ở Kuwait và Iraq trong tháng 8/1990 sau khi nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein tiến hành xâm lược nước láng giềng. Nó cũng vượt qua sự sụt giảm nguồn cung đột ngột của Iran năm 1979 khi Cách mạng Hồi giáo xảy ra.

Sự gián đoạn bất ngờ

Trong một khởi đầu bất thường, giao dịch dầu Brent tương lai đã tăng gần 12 USD/thùng chỉ vài giây sau khi mở cửa phiên giao dịch sáng 16/9. Đây là mức tăng giá lớn nhất kể từ khi bản thống kê này được lưu trữ năm 1988.

Trên sàn giao dịch hàng hóa New York, việc giao dịch dầu thô ngọt nhẹ Texas bị đình trệ khoảng 2 phút theo cơ chế ngắt mạch trước những biến động mạnh mẽ về giá. Cơ chế này được kích hoạt bởi mức tăng trên 7%. Trong khi giao dịch dầu Brent tương lai hạ nhiệt so với mức tăng 20% ban đầu, dù lấy chuẩn là 72 USD/thùng, đây vẫn là mức tăng lớn nhất tính theo % kể từ năm 2008.

Trên ICE Futures Europe, dầu Brent đã tăng 19% lên 71.95 USD/thùng, mức tăng lớn nhất tính theo % kể từ năm 1991, nhưng vài giờ sau đó, mức tăng hạ nhiệt.

Đối với thị trường dầu mỏ, đây là sự gián đoạn bất ngờ và tồi tệ nhất từ trước đến nay. Sự biến động chưa từng có ấy cũng đang gây tác động khắp thị trường tài chính. Các tài sản vốn được coi là nơi trú ẩn, bao gồm vàng, đồng Yen và trái phiếu kho bạc, đều đã tăng trước những quan ngại sụp đổ trật tự địa chính trị ở Trung Đông sau vụ tấn công. Các loại tiền tệ của Canada và Na Uy cũng tăng. Hợp đồng xăng tương lai của Mỹ cũng đã tăng 13%.

Các vụ tấn công nhằm vào cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới của Saudi Arabia ở Abqaiq và mỏ dầu lớn thứ 2 của Vương quốc này tại Khurais đã làm giảm hơn một nửa sản lượng dầu của nước này, mất khoảng 5,7 triệu thùng/ngày và tương đương hơn 5% nguồn cung toàn cầu.

Sự tổn thương với cơ sở hạ tầng ngành dầu mỏ của Saudi Arabia, vốn được coi là nguồn dầu thô ổn định trên thị trường, tạo ra những biến động mà thị trường phải đối phó. Ở thời điểm hiện tại, chưa thể xác định hoạt động sản xuất dầu sẽ bị đình trệ trong bao lâu. Có nguồn thạo tin cho hay, hoạt động xuất khẩu dầu của Saudi Arabia sẽ trở lại bình thường trong tuần này, khi Riyadh sử dụng nguồn dầu từ các cơ sở dự trữ lớn. Nhưng rõ ràng, những tổn thất đối với cơ sở hạ tầng do các vụ tấn công này là khá lớn và không thể khôi phục một sớm một chiều.

Saudi Arabia có thể phục hồi đáng kể sau sự cố khiến việc khai thác, sản xuất dầu bị ngưng trệ trong vài ngày. Tuy nhiên, họ sẽ cần nhiều tuần để khôi phục lại toàn bộ sản lượng. Và tất nhiên, Vương quốc này và cả các khách hàng của họ đều có thể phải sử dụng đến dầu mỏ trong các kho dự trữ nhằm giải quyết vấn đề. Thậm chí, Công ty dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco cũng có thể xem xét tuyên bố mình không thể thực hiện đầy đủ các hợp đồng với các đối tác vì sự việc "bất khả kháng". Tuy nhiên, bất cứ động thái nào trong lúc này sẽ làm náo loạn thị trường dầu mỏ và phủ một bóng đen lên tham vọng IPO của Aramco, vốn được coi là đợt chào sàn lớn nhất lịch sử.

Cơ hội “cả đời mới có”

Tuy nhiên, dù những diễn biến mới nhất trên thị trường dầu lửa có thể khiến giá xăng tăng cao hơn và gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu, nhưng dường như không có tác động trực tiếp nhiều tới nền kinh tế Mỹ, thậm chí có nhiều yếu tố cho thấy có những mặt thuận lợi.

Kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ không rơi vào suy thoái khi giá dầu tăng mạnh giống như những năm 1970, bởi hiện nay những cú sốc về giá dầu không còn gây ra tác động tương tự đối với nền kinh tế nước này. Giá dầu cao hơn sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng và gây áp lực cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lượng để sản xuất hoặc vận chuyển hàng hóa. Nhưng mặt khác, những tổn thất đó sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận mà ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ kiếm được từ giá dầu cao.

Khói bốc lên từ đám cháy tại cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới của Saudi Arabia ở Abqaiq. (Nguồn: Reuters)

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Bank of America cho biết, hiện nay năng lượng chiếm khoảng 2,5% tiêu dùng hộ gia đình, giảm từ 8% trong những năm 1970. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kể từ đầu những năm 2000, các công ty năng lượng của Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất bằng cách sử dụng các kỹ thuật khoan mới, chẳng hạn như công nghệ thủy lực. Sản lượng dầu đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ năm 2008-2018 và Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và Saudi Arabia chỉ đứng thứ 2.

Trong khi đó, ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ gần đây đang gặp khó khăn khi sản xuất năng lượng tăng trong khi nhu cầu giảm đã khiến giá cả đi xuống. Các cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp này làm giảm đầu tư kinh doanh. Đầu tư cố định phi chính phủ đã giảm với tỷ lệ hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 0,6% trong quý II/2019, điều này dự báo sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý này.

Ngoài ra, các cuộc tấn công mỏ dầu của Saudi Arabia sẽ là một yếu tố mới để lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tính đến khi họ xem xét một loạt nguy cơ địa chính trị có thể gây ảnh hưởng tới tương lai của nền kinh tế. Các yếu tố khác có thể kể đến như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bất ổn ở Hong Kong (Trung Quốc) và việc Anh sắp rời Liên minh châu Âu (Brexit). Nguy cơ giảm đầu tư kinh doanh và sự chững lại của tăng trưởng toàn cầu chính là lý do chính khiến Fed quyết định giảm lãi suất trong tháng 7 vừa qua và có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng này trong cuộc họp sắp tới.

Và chỉ mới đây thôi (ngày 11/9), trong hai dòng tweet trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump đang hối thúc Fed tiếp tục hạ lãi suất về 0 hoặc thậm chí về ngưỡng âm. "FED nên hạ lãi suất về 0 hoặc thấp hơn, và khi đó chúng ta nên bắt đầu đảo nợ. Tiền trả lãi nợ vay có thể giảm xuống nhiều, và kỳ hạn vay sẽ kéo dài hơn", ông Trump viết.

Không bình luận về ý tưởng của Tổng thống Trump là thực sự có lợi cho nền kinh tế Mỹ hay không, chỉ xét theo mong muốn của người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông đã cho rằng, nếu không tiếp tục giảm lãi suất, Fed đang đánh mất đi cơ hội của nước Mỹ, “cả đời mới có một lần". Vậy thì tình hình hiện nay hẳn là một cơ hội không tồi.

(theo Wall Street Journal, Bloomberg)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gian-doan-bat-ngo-cua-thi-truong-dau-mo-va-nhung-yeu-to-co-loi-cho-tong-thong-trump-101255.html