'Giãn cách toàn xã hội là biện pháp cực chẳng đã'

Đây là nhận định của các chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến chiều 16/5.

Chiều 16/5, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - 2 điểm nóng dịch COVID-19 khi có các ca bệnh trong khu công nghiệp (KCN) tập trung, các chuyên gia cho rằng, mầm bệnh đã “ẩn” trong cộng đồng. Hơn nữa, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh chóng khủng khiếp.

Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, các KCN tập trung là nơi nhạy cảm, đông người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của cả đất nước, vì vậy, phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không được để lan ra các KCN khác trong hai tỉnh này và ra toàn quốc.

Có mặt trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, nguy cơ các ổ dịch bùng phát ở Bắc Giang là rất lớn, nhất là khi đã xuất hiện 2 ca dương tính tại một doanh nghiệp với quy mô 10.000 công nhân ở bên cạnh khu công nghiệp Quang Châu.

Ban Chỉ đạo đánh giá cao hai tỉnh đã rất kiên định nguyên tắc khi phát hiện thì truy vết nhanh nhất có thể, khoanh gọn nhất có thể. Trường hợp khoanh vùng nhanh nhất nhưng chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn, nhưng đồng thời khẩn cấp xác định những yếu tố dịch tễ để thu hẹp phạm vi khoanh vùng.

Ban Chỉ đạo và các chuyên gia khẳng định, bản chất của giãn cách xã hội (hay cách ly xã hội, phong tỏa) là để tránh tiếp xúc giữa người mang virus và người chưa mang virus, nhằm làm chậm lại và tiến tới cắt đứt chuỗi lây của virus. Nhưng không quốc gia nào, địa phương nào có thể giãn cách xã hội liên tục, vì thế, việc giãn cách, phong tỏa chỉ là giải pháp tạm thời.

Với nguyên tắc “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch, như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã thống nhất từ năm 2020, các thành viên Ban Chỉ đạo tái khẳng định các quy định phòng, chống dịch để dịch không xâm nhập; khi đã có mầm bệnh phải truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch nhanh nhất, gọn nhất có thể.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ góc độ chống dịch thì cách ly xã hội là biện pháp cắt đứt chuỗi lây lan nhanh nhất, nhưng tác động rất lớn đến kinh tế và tâm lý xã hội. Theo ông Phu, Bắc Ninh và Bắc Giang làm rất đúng khi chỉ khoanh vùng ở địa bàn nguy cơ cao. Song ông Phu nêu vấn đề quản lý chưa chặt trong khu vực bị khoanh vùng, phong tỏa.

“Chúng ta phải cố gắng phát hiện được nguy cơ, càng thu hẹp càng tốt, đồng thời kiểm soát chặt chẽ không được để lây trong khu cách ly. Làm sao không giãn cách xã hội trong phạm vi quá rộng mà để làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều KCN lớn, để đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển được kinh tế”, ông Trần Đắc Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Các chuyên gia phân tích và khẳng định nếu thực hiện nghiêm 5K đối với cá nhân, an toàn COVID-19 đối với cơ quan, nhà máy, xí nghiệp thì dù còn điểm dịch nhưng sẽ không bao giờ phải giãn cách xã hội toàn quốc. Trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đến mức không thể kiểm soát được dịch thì buộc phải giãn cách xã hội toàn quốc. Nhưng như vậy sẽ phải chấp nhận những hệ lụy rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ phải có trách nhiệm theo dõi tình hình phòng, chống dịch ở một số địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý nếu tỉnh/thành phố nào cần giãn cách toàn xã hội thì thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp báo cáo với Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ.

Nếu phải giãn cách xã hội toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/gian-cach-toan-xa-hoi-la-bien-phap-cuc-chang-da-858299.vov