Giảm vi phạm kỷ luật nhờ tổ tư vấn

Nhằm hạn chế vi phạm kỷ luật của bộ đội, mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu kiến thức pháp luật, kỹ năng sống hoặc vướng mắc về tư tưởng chưa được giải quyết kịp thời, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục hiệu quả, trong đó có hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý-pháp luật.

 Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) truyền đạt kiến thức pháp luật cho chiến sĩ mới của đơn vị

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) truyền đạt kiến thức pháp luật cho chiến sĩ mới của đơn vị

Không khí ngày pháp luật cuối tháng 2 vừa qua tại Trung đoàn 82 (Quân khu 2) khá sôi nổi, khi Thượng úy Nguyễn Văn Hồng, thành viên Tổ tư vấn tâm lý-pháp luật trực tiếp duy trì buổi sinh hoạt. Ngoài các hoạt động văn hóa-văn nghệ, anh còn tiến hành kiểm tra nhận thức của bộ đội với rất nhiều nội dung; đồng thời đặt tình huống thường gặp trong cuộc sống để mọi người cùng thảo luận, tìm cách giải quyết. Với cách sinh hoạt theo kiểu "vừa học, vừa chơi" tạo không khí rất cởi mở và lôi cuốn bộ đội tham gia.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở đơn vị, Trung đoàn 82 đã triển khai thực hiện mô hình Tổ tư vấn tâm lý-pháp luật, gồm các đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy bộ đội, có kiến thức lý luận và thực tiễn, khả năng bao quát toàn diện đơn vị, do đồng chí phó chính ủy trung đoàn làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ là thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng (nhất là những diễn biến phức tạp, đột biến về tâm lý, tư tưởng, nhận thức) và chấp hành kỷ luật của bộ đội, kịp thời đề xuất với cấp ủy, chỉ huy nội dung, biện pháp trong giải quyết tư tưởng của quân nhân và tăng cường giáo dục, quản lý, giữ nghiêm kỷ luật. Tổ cũng xây dựng kế hoạch đối thoại, nắm tình hình; tư vấn, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của quân nhân; phổ biến chế độ chính sách đối với gia đình quân nhân; tháo gỡ các vướng mắc trong mối quan hệ của quân nhân; dự báo xu hướng tư tưởng tâm lý, chấp hành kỷ luật của bộ đội; đề xuất các chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng, kỷ luật.

Theo Thượng tá Cao Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 82, từ năm 2018 đến nay, tổ tư vấn tâm lý-pháp luật của đơn vị đã tư vấn cho 105 lượt cán bộ, chiến sĩ với những nội dung thiết thực, hiệu quả; tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy nắm chắc tình hình đơn vị, kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống xảy ra; thường xuyên tổ chức đối thoại, giải đáp vướng mắc của cán bộ, chiến sĩ; tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Với biện pháp tiến hành hiệu quả, những năm qua, tình hình tư tưởng, kỷ luật của bộ đội trong đơn vị có chuyển biến tích cực; nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất; quan hệ cấp trên-cấp dưới, quân với dân được giải quyết hài hòa; nhận thức của bộ đội về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội được nâng lên rõ rệt.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 254, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai cùng nhau nghiên cứu, trao đổi kiến thức pháp luật.

Ở Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh), trước khi đón nhận chiến sĩ mới, cơ quan chính trị lữ đoàn hướng dẫn thành lập Tổ tư vấn tâm lý, sức khỏe và Tổ tư vấn pháp luật, do chính trị viên tiểu đoàn làm tổ trưởng. Thành viên của các tổ này gồm những cán bộ, chiến sĩ am hiểu về tâm lý, pháp luật, có năng lực thuyết phục, hướng dẫn, giúp đỡ người khác khi gặp vấn đề trong đời sống thường ngày hoặc nảy sinh tư tưởng trong quá trình công tác. Hiện Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 96 đang quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới nên Tổ tư vấn tâm lý, sức khỏe và Tổ tư vấn pháp luật của tiểu đoàn vừa được bổ sung các thành viên là chiến sĩ mới có trình độ đại học, từng tham gia công tác xã hội, hoạt động cộng đồng để nâng cao hiệu quả tư vấn của tổ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tại Trung đoàn 271, Sư đoàn 5 (Quân khu 7), phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý, pháp luật khá rộng, có chiều sâu. Tổ được thành lập từ cấp đại đội đến trung đoàn, tiến hành tư vấn thường xuyên khi quân nhân có nhu cầu giải đáp, hỗ trợ. Ở cấp trung đoàn, tổ do chính ủy trung đoàn trực tiếp làm tổ trưởng, có số điện thoại riêng để tiếp nhận, giải đáp các câu hỏi, vấn đề cần tư vấn trong đơn vị. Trung tá Phạm Đắc Công, Chính ủy Trung đoàn 271 chia sẻ, thành phần của Tổ tư vấn tâm lý-pháp luật gồm các “chuyên gia” trong từng lĩnh vực, từng ngành để thuận tiện giải đáp, tư vấn cho quân nhân. Ở cấp đại đội, tiểu đoàn, hoạt động của tổ thường tập trung vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, thời điểm nhạy cảm; hoặc khi thấy chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới có biểu hiện khác thường, kết quả thực hiện nhiệm vụ giảm sút, tổ sẽ cử thành viên tiếp cận, trò chuyện, gần gũi, nắm bắt tư tưởng, tâm lý, rồi hội ý để thống nhất biện pháp tư vấn, giúp đỡ. Kinh nghiệm của tổ là phải lựa chọn được các thành viên nhiều kinh nghiệm, có trình độ, kiến thức tốt về lĩnh vực đảm nhiệm để tư vấn chính xác, hiệu quả cho quân nhân.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, mô hình hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý-pháp luật được triển khai, duy trì khá tốt, có hiệu quả ở nhiều đơn vị toàn quân. Qua đó cho thấy, công tác PBGDPL trong đó có việc duy trì hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý-pháp luật giúp cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới có thêm kỹ năng sống, hiểu được những vấn đề còn vướng mắc và tự quyết định hướng giải quyết đúng đắn; đồng thời nâng cao hiểu biết về pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và các quy định của đơn vị; có thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn. Thực hiện tốt công tác này còn giúp cấp ủy, chỉ huy nắm chắc tình hình tư tưởng, nhận thức về pháp luật, điều lệnh, điều lệ; kỹ năng sống của bộ đội… từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, giảm vi phạm kỷ luật, pháp luật, giữ vững ổn định đơn vị.

HỒNG SÁNG - HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giam-vi-pham-ky-luat-nho-to-tu-van-568790