Giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 11/7 đối với xăng dầu

Sáng nay (ngày 6/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần, trong đó 13 lần tăng giá và 4 lần giảm giá. Đặc biệt, tại kỳ điều chỉnh ngày 21/6/2022, giá xăng trong nước thiết lập mức cao nhất trong lịch sử.

Vì vậy, để bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng. Ảnh minh họa: IT

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng. Ảnh minh họa: IT

Cụ thể, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau:

Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.

Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.

Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết 100% tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng, dầu tiếp theo.

Trong sáng ngày 6/7, giá dầu thô Brent giao sau đã phục hồi nhẹ khi tăng 2,82 USD, tương đương 2,7%, lên 105,59 USD/thùng. Dầu ngọt WTI cũng tăng với mức 2,46 USD, tương đương 2,4%, lên 101,95 USD/thùng.

Còn trong ngày trước đó (ngày 5/7), giá 2 loại dầu này đầu sụt thê thảm. Trong đó, dầu Brent đã giảm 9,5% - mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2022. Còn dầu ngọt WTI lần đầu tiên đóng cửa giao dịch dưới mức 100 USD kể từ cuối tháng 4/2022.

Giá xăng dầu trên toàn cầu đã tăng do nhu cầu cao nhưng lại thiếu nguồn cung cũng công suất lọc dầu bị giảm do đóng cửa liên quan đến đại dịch Covid-19. Tình hình cũng trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.

Trong đó, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về việc tìm hiểu tính khả thi của việc áp dụng giá trần tạm thời với nhiên liệu hóa thạch của Nga, bao gồm cả dầu mỏ. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, mức giá trần được áp đặt đối với dầu mỏ của Nga dự kiến sẽ tương đương với 50% giá mua hiện tại. Ông Kishida đề xuất thực hiện một cơ chế để dầu của Nga "sẽ không và không thể được mua với giá cao hơn" mức giá trần.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu tổng thống Dmitry Medvedev cảnh báo giá dầu có thể đẩy lên đến 300 – 400 USD/thùng nếu đề xuất giá trần của Nhật Bản được thực hiện

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết việc thiếu hụt dầu có thể được giảm bớt nếu nguồn cung bổ sung từ Iran và Venezuela được cấp phép.

Tại thị trường trong nước, trong kỳ điều chỉnh ngày 1/7, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Đây là lần giảm giá đầu tiên sau 7 lần tăng giá liên tiếp của các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng.

Trong đó, giá xăng E5RON92 giảm 411 đồng/lít, xuống 30.891 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 110 đồng/lít, xuống 32.763 đồng/lít.

Giá dầu điezen 0.05S giảm 404 đồng/lít, xuống 29.615 đồng/lít; dầu hỏa giảm 432 đồng/lít, xuống 28.353 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.013 đồng/kg, xuống 19.722 đồng/kg.

Trần Anh

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/giam-thue-bao-ve-moi-truong-tu-ngay-11-7-doi-voi-xang-dau-d5018.html