Giảm thời gian thông quan đang là áp lực của ngành hải quan

Trước áp lực cải cách hành chính, giảm thời gian thông quan mà Chính phủ đưa ra, ngành hải quan đang thực hiện nhiều giải pháp để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp (DN) trong quá trình làm thủ tục, giúp DN có thể hưởng lợi nhiều nhất từ những cam kết mà Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại.

Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện CPTPP”, do Báo Hải quan tổ chức sáng 28/5 tại TP. Hồ Chí Minh.

Gấp rút hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN

Ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục hải quan - cho biết: Theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nước thành viên cam kết xóa bỏ từ 97 - 100% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP (tùy theo cam kết của từng nước). Điều đó có nghĩa là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các nước thành viên sẽ được miễn, giảm thuế tương ứng cam kết. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết loại bỏ thuế quan lên 86,5% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên trong vòng 3 năm, tuy nhiên vẫn duy trì hạn ngạch thuế quan đối với một số mặt hàng như đường, trứng, muối và ô tô đã qua sử dụng.

Đối với quy tắc xuất xứ tiên tiến, CPTPP khuyến khích sự hội nhập sản xuất của các quốc gia thành viên và thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh giữa các quốc gia thành viên. Cùng với đó, thủ tục chứng nhận xuất xứ được đơn giản hóa và nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu sẽ được tự chứng nhận.

Liên quan đến việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết: Theo cam kết trong CPTPP, người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu của Việt Nam được tự chứng nhận xuất xứ. Cụ thể, với hàng nhập khẩu việc bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Đối với hàng xuất khẩu, Việt Nam được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức là cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống và người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Thực tế kể từ khi CPTPP có hiệu lực tới nay thì vấn đề thuế hải quan được các DN xuất nhập khẩu hết sức quan tâm bởi nhiều quy định còn chưa rõ ràng, có lộ trình cụ thể. Các DN đều mong muốn ngành hải quan tạo thuận lợi để DN nhanh chóng thông quan khi xuất, nhập khẩu, tránh việc mất thời gian, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Dương Thái khẳng định, quan điểm của ngành Hải quan là tạo thuận lợi tối đa cho các DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022. Phía Tổng cục Hải quan cũng đang hoàn thiện và trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2018/TT-BTC về Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa, trong đó có quy định cụ thể về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định CPTPP (dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019).

Muốn giảm thời gian thông quan cần đơn giản thủ tục

Là trung tâm kinh tế của cả nước nên lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của DN hầu hết tập trung tại TP. Hồ Chí Minh. Khi CPTPP thực thi, do có nhiều quy định về thủ tục thuế quan, quy tắc xuất xứ… nên cả ngành hải quan thành phố lẫn DN đều lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi có những biểu thuế khác nhau thì khối lượng thuế, khối lượng hồ sơ mà cả DN và cơ quan hải quan đều áp lực. Qua quá trình thường xuyên tổ chức đối thoại với DN thì chúng tôi thấy thủ tục càng đơn giản sẽ càng dễ thực hiện.

“Chúng tôi đang đối diện áp lực từ Chính phủ về vấn đề cải cách hành chính. Tuy nhiên với nhiều hiệp định khác nhau thì hàng hóa sẽ có những biểu thuế, quy định khác nhau. Như vậy sẽ có quá nhiều bài toán kiểm tra quá và dẫn tới việc khó giảm thời gian thông quan”, ông Nghiệp bày tỏ.

Theo ông Nghiệp, để hỗ trợ cho DN, Cục hải quan thành phố đang phối hợp Tổng công ty Tân Cảng thực hiện thông quan hàng ngay tại cầu cảng với những DN đã thông quan trên hệ thống. Khi triển khai nội dung này sẽ giúp DN không tốn tiền bốc container lên xuống bãi, không tốn tiền lưu kho; Giảm lượng hàng tồn kho 10% so với trước đây. Với Cảng sẽ không tồn đọng hàng còn cơ quan hải quan sẽ giảm nhân lực vào thực hiện thông quan để tăng cường công tác quản lý, kiểm tra khác. “Thủ tục phải đơn giản thì mới nhanh, mới kiểm tra tốt hơn. DN có thể yên tâm khi thực hiện hình thức này” - ông Nghiệp cam kết.

Để việc thông quan được như kỳ vọng của Chính phủ, ông Nghiệp đề xuất, Bộ Công Thương nên cấp C/O điện tử càng nhiều, càng đơn giản sẽ giúp công tác kiểm tra dễ dàng hơn.

Ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Để tận dụng tốt các lợi thế cắt giảm thuế xuất nhập khẩu từ CPTPP trong việc thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tập trung vào nhiều giải pháp như: Phổ biến cập nhật cam kết mở cửa thị trường nông sản của các thành viên CPTPP đến DN, Hiệp hội ngành hàng, các địa phương; Đẩy mạnh việc xây dựng TCVN, QCVN, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc,...

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-thoi-gian-thong-quan-dang-la-ap-luc-cua-nganh-hai-quan-120264.html