Giảm thiểu thiệt hại bởi lũ ống, lũ quét

Lũ quét và sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc đang là loại hình thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong khi đó, việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, mưa đá vẫn còn nhiều khó khăn và là thách thức đối với ngành Khí tượng Thủy văn.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong những năm gần đây, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, bất ngờ và ngày càng cực đoan, tính tàn phá khốc liệt hơn. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, mưa đá vẫn còn nhiều khó khăn và là thách thức đối với ngành Khí tượng Thủy văn.

Để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do lũ ống, lũ quét và những hiện tượng thời tiết cực đoan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 cho các vùng miền núi có nguy cơ trượt lở; đối với các khu vực trọng điểm, phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, di dời khẩn cấp dân cư tại các vùng có nguy cơ mất an toàn như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi ở mới. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất là phòng ngừa là chính, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân.

Thời gian tới, ngành khí tượng sẽ phấn đấu tăng cường mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại tại khu vực thượng lưu các sông suối, vùng núi cao nhằm cung cấp đẩy đủ các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác cảnh báo, dự báo lũ. Dự kiến đến năm 2025 trên toàn quốc sẽ có khoảng 4000 trạm đo mưa tự động ./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/giam-thieu-thiet-hai-boi-lu-ong-lu-quet