Giảm thiểu tác động tiêu cực của covid-19 đối với doanh nghiệp và người lao động

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, ông Chang-Hee Lee cho rằng, cuộc chiến chống Covid-19 có khả năng sẽ còn kéo dài, thời điểm này chính là lúc bắt đầu hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động, bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức. Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để chiến đấu vì việc làm thỏa đáng tại thời điểm khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng về cả sức khỏe, thị trường lao động cũng như kinh tế hiện nay.

Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp” của ILO, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể đưa ra giải pháp chính sách đối phó với tình hình này một cách đồng bộ ở tầm quốc tế, tác động của dịch bệnh đến tình trạng thất nghiệp toàn cầu có thể giảm đi đáng kể.

Báo cáo kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, trên diện rộng và đồng bộ ở các trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế, việc làm và hỗ trợ việc làm, thu nhập. Những biện pháp này bao gồm mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời gian làm việc, nghỉ phép có lương và các trợ cấp khác), giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, báo cáo sơ bộ cũng đề xuất các biện pháp chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ cho vay, hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể.

Báo cáo của ILO cũng cảnh báo rằng, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều, điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ, lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động, an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp, các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.

P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_222023_giam-thieu-tac-dong-tieu-cuc-cua-covid-19-doi-voi-.aspx