Giảm thiểu rác thải nhựa: Cần gắn tuyên truyền với các chế tài mạnh

Thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế rác thải nhựa và túi nilon, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Do đó, để đóng góp một phần nâng cao hiệu quả giảm thiểu chất thải nhựa, sáng 26/12, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội'.

Cuộc tọa đàm đã nhận được những đề xuất, đóng góp của các chuyên gia, các sở, ban ngành, quận, huyện để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.

Cần đầu tư các điểm thu gom chất thải nhựa và túi nilon

Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải được sản sinh ra đủ phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng.

Các khách mời tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Các khách mời tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 8 - 10%. Các sản phẩm nhựa và túi nilon đã trở nên phổ biến trong cuộc sống người dân nhưng lại để lại những hậu quả không nhỏ đến môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Với những tác hại đó, thời gian qua Thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết hiện nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác. Lịch trình đi thu gom cho đến nơi tập trung đều được camera giám sát nhằm nắm bắt rõ được những hành vi vi phạm để xử lý nghiêm những đơn vị không chấp hành đúng.

Tuy nhiên theo ông Thái, Thành phố cần đầu tư các điểm thu gom chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy từ hoạt động sinh hoạt. Từ đó, xây dựng mạng lưới các đơn vị thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy từ hoạt động sinh hoạt và kết nối với các hộ gia đình, các tập thể, cá nhân và các đơn vị tạo chu trình khép kín giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh.

Tại Hà Nội một số quận đã thí điểm triển khai mô hình này và đạt được một số kết quả bước đầu. Đơn cử, Hoàn Kiếm là quận trung tâm về thương mại - du lịch dịch vụ của Hà Nội. Thống kê trung bình lượng rác thải tăng 10%/năm, chủ yếu từ các nhà hàng, khách sạn đi cùng lượng khách du lịch tăng lên (20 - 23%/năm). Hiện địa bàn quận có trên 600 khách sạn, 300 nhà nghỉ homestay...

Kinh tế quận Hoàn Kiếm hiện đang chuyển hướng sang phát triển thương mại - du lịch dịch vụ, với tăng trưởng ngành này đạt 18%/năm. Khách quốc tế đổ về quận đã tăng lên trên 3 triệu lượt. Đi kèm với đó là lượng rác thải tăng cao 233 tấn/ngày trong năm 2019, trên diện tích hạn chế chỉ 5,2km2.

Rác thải sinh hoạt của người dân đa phần là túi nilon và rác thải nhựa. (Ảnh: N. Hoa)

Trong năm 2019, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều phương án giảm thải rác nhựa, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, khuyến cáo người dân sử dụng các chai lọ, túi với chất liệu thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, quận chú trọng tuyên truyền đến đối tượng học sinh trên địa bàn, nhằm tạo thói quen không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các hoạt động đời sống hàng ngày. Đặc biệt, quận đã triển khai chiến dịch thu gom hộp sữa tại 54 trường học để tái chế.

Ngoài ra, nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cũng tham gia chương trình sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như: túi giấy, ống hút tre... Đối với các trung tâm thương mại, chẳng hạn Trung tâm thương mại Hàng Da, quận khuyến khích dùng túi giấy thay vì túi nilon. Kể cả nhiều bà con chợ Đồng Xuân cũng đã chuyển sang sử dụng các túi handmade để đựng sản phẩm của mình.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết: Hoàn Kiếm là quận được Hà Nội chọn thực hiện thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn - 3R và phối hợp với Tổ chức Jica của Nhật tại 3 phường: Phan Chu Trinh, Tràng Tiền và Lý Thái Tổ. Qua đó, ý thức người dân đã thực sự thay đổi tích cực, tuy nhiên thực tế triển khai gặp khó khăn trong khâu xử lý. Hiện chiến dịch đã phải tạm ngưng.

Kế hoạch trong năm 2020, quận tập trung triển khai lại chương trình, nhưng với điểm mới là thay vì chia thành 3, rác thải sẽ được chia thành 2 nguồn - rác tái chế và rác xử lý. Một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn, như các rạp chiếu phim hay Hapro, đã trang bị các thùng rác tái chế theo hình thức này.

Cần có cơ chế và chính sách để dẹp tận gốc

Từ những kết quả ban đầu mà quận Hoàn Kiếm đã đạt được trong việc triển khai thí điểm mô hình hạn chế rác thải nhựa, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết hiện Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành và các quận, huyện để nghiên cứu phương án thu gom vận chuyển đưa về xử lý theo mô hình thí điểm tại quận Hoàn Kiếm để trình Ủy ban nhân dân Thành phố áp dụng rộng rãi.

Tuy nhiên khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là vấn đề rác không được phân loại tại nguồn dẫn đến chất lượng rác không đảm bảo khó cho các công nghệ xử lý. Vì vậy, để thực hiện tốt, các nhà máy xử lý phải nghiên cứu kĩ về đặc điểm thành phần rác để đưa ra các công nghệ xử lý phù hợp, hiệu quả. Bổ sung dây chuyền hạng mục phân loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa để làm sao thu gom rác thải nhựa phục vụ tái chế.

Các siêu thị đã gói rau, củ, quả bằng lá chuối thay thế cho túi nilon. (Ảnh: N. Hoa)

“Để hiện được mô hình này, chúng tôi sẽ kêu gọi các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, cùng với đó cần có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước cùng tham gia. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có những hệ thống lắp đặt thùng thu gom rác tại khu chung cư, tập thể đưa xuống thu gom giúp nguồn nguyên liệu không lãng phí, có thể đem đi tái chế. Đây là chính sách chúng tôi đã và đang nghiên cứu và sẽ kêu gọi nhà đầu tư, để khi đã đưa ra thí điểm thì phải đồng bộ, đưa ra chính sách hỗ trợ để đạt được thành công nhất định”, ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chống rác thải nhựa là một kế hoạch tổng thể, cần sự chung tay của nhiều ban ngành, lĩnh vực và đặc biệt cần chú trọng tác động ngược trở lại của người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp.

Theo PGS. TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, trước hết chúng ta cần có chính sách và cơ chế để dẹp tận gốc vấn đề rác thải nhựa. Về thuế, cần phải có chính sách tăng thuế với sản phẩm nhựa, qua đó nâng cao giá thành đối với túi nhựa, phải cấm nhập vật liệu tái chế từ nước ngoài, vì đây là vật liệu độc hại từ các nước đổ sang Việt Nam với giá rẻ.

Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận sẽ sẵn sàng nhập nguồn nguyên liệu này để sản xuất túi nhựa vì có lãi cao. Ngoài ra, cần tuyên truyền sâu hơn, mạnh hơn, nhấn mạnh về nguy hại lâu dài đối với sức khỏe người dùng, ví dụ như gây bệnh ung thư.

Qua đó để người dân hiểu rõ về hậu quả của rác thải nhựa. Để kiểm soát chất thải nhựa cũng như hạn chế dùng túi nilon một cách hiệu quả, Nhà nước cần ban hành các chính sách, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoặc các sản phẩm sinh học dễ phân hủy.

Tuy nhiên, PGS. TS Bùi Thị An cũng cho rằng để đạt được hiệu quả cao, mọi sản phẩm nghiên cứu mới trước khi triển khai đều phải được thực nghiệm thực tế ở Việt Nam và được đánh giá độc lập, từ đó, mới có thể chọn lựa sử dụng sản phẩm nào thích hợp nhất với điều kiện đất nước.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giam-thieu-rac-thai-nhua-can-gan-tuyen-truyen-voi-cac-che-tai-manh-101478.html