Giảm thiểu ô nhiễm không khí: Hà Nội dự định lắp thêm 70 trạm quan trắc

Hiện Hà Nội có 11 trạm quan trắc không khí, do Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành. 2 trạm cố định lớn đặt tại phố Trung Yên 3 và phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm). Còn 9 trạm trạm quan trắc nhỏ sử dụng pin năng lượng mặt trời còn lại lắp đặt tại khu vực Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Thành Công, Tân Mai, Tây Mỗ và Đại sứ quán Pháp.

Một trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh.

Một trạm quan trắc chất lượng không khí tự động liên tục tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh.

Trước tình hình ô nhiễm không khí (ONKK) diễn biến phức tạp, kéo dài, TP Hà Nội đang đặt đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ lắp thêm 70 trạm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội, đơn vị này đang xúc tiến để đầu tư thêm 50 trạm quan trắc không khí cảm biến và 20 trạm quan trắc không khí cố định. Như vậy, việc lắp đặt này sẽ hoàn thiện và nâng tổng số trạm quan trắc không khí (máy đo chỉ số chất lượng không khí) tại Hà Nội lên 81. Đây được coi là số trạm quan trắc cần thiết, nếu như không muốn nói là “lý tưởng” trong tình hình hiện nay.

Được biết, Sở TNMT Hà Nội còn phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp AFD và đơn vị tư vấn Pháp AirParif nâng cao năng lực quản lý hệ thống, dữ liệu quan trắc không khí tự động; nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm đã được đơn vị tư vấn Pháp đã triển khai thành công tại Paris và Bắc Kinh. Dự kiến sắp tới sẽ tổ chức hội thảo về đề xuất chương trình, kế hoạch hành động cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nếu kế hoạch lắp đặt thêm nhiều trạm quan trắc như trên, Hà Nội sẽ có thêm nhiều khu vực được đo kiểm chất lượng không khí, có hệ thống đánh giá không khí đầy đủ và toàn diện, thuận lợi cho TP đưa ra những biện pháp khắc phục ô nhiễm. Bởi theo kết quả công bố gần đây của nhiều tổ chức, Hà Nội là đô thị có mức độ ONKK nặng, mức độ ô nhiễm cao nhất cả nước, sau đó mới đến TP HCM.

Ngay như kết quả quan trắc gần đây (ngày 7/2) thì tất cả các điểm đo được đều cho thấy không nơi nào chất lượng không khí tốt.

Còn nhớ, tại một tọa đàm đối thoại chính sách “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”, do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tại Hà Nội; theo PGS.TS Đinh Đức Trường, nghiên cứu về tổn thất, thiệt hại kinh tế từ ô nhiễm không khí được ĐH Kinh tế quốc dân theo đuổi gần 10 năm. Theo cách tính toán của nghiên cứu này thì với thời giá năm 2018, ONKK tại Việt Nam gây ra tổn thất, thiệt hại về kinh tế vào khoảng 10,82- 13,63 tỉ USD, tương đương khoảng 250.000 tới 300.000 tỉ đồng; có nghĩa là khoảng 4,45 tới 5,64% GDP của năm 2018.

Ở khía cạnh khác liên quan, các chuyên gia môi trường cho rằng hiện công cụ kinh tế nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường còn khá đơn giản, chủ yếu là áp dụng thuế môi trường. Năm 2012, số tiền thu được chỉ khoảng 11.000 tỉ đồng. Năm 2017, thuế môi trường tăng rất nhanh đạt từ 43.000-44.000 tỉ đồng, gấp 4 lần con số của năm 2012. Tuy nhiên, nếu so sánh với con số chi cho bảo vệ môi trường thì khá khập khiễng.

“Chi tiêu của Việt Nam cho vấn đề môi trường là 9.000 tỉ đồng năm 2012. Sau 5 năm, chi cho bảo vệ môi trường chỉ tăng 1,4 lần, trong khi thu tăng 4 lần”- theo PGS Trường, và cho rằng đây là sự bất cập trong cơ cấu thu chi nguồn thuế này.

Cũng về vấn đề này, theo GS.TS Trần Thọ Đạt- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ONKK chủ yếu do hoạt động của con người gây ra, từ sản xuất tới tiêu dùng. Để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, chính sách kinh tế và tài chính giữ một vị trí rất quan trọng và phải được thực hiện đầy đủ với các biện pháp về quản lý hành chính. Chính sách phải được thực hiện theo hướng đánh thuế vào những nơi gây ô nhiễm và hỗ trợ những khu vực chịu ảnh hưởng.

M.Huy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-ha-noi-du-dinh-lap-them-70-tram-quan-trac-tintuc458585