Giám sát việc quản lý và xử lý chất thải công nghiệp tại Đồng Nai

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, số lượng chất thải công nghiệp phát sinh hàng ngày là rất lớn.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Chiều 20/12, Đoàn giám sát liên ngành Trung ương gồm đại diện của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý và xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai.

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, số lượng chất thải công nghiệp phát sinh hàng ngày là rất lớn.

Để xử lý chất thải, tỉnh đang thực hiện nhiều đề án, quy chế bảo vệ môi trường, trong đó có cả đề án truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm cập nhật dữ liệu về hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại và phần mềm báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến; lắp hệ thống quan trắc trên sông Đồng Nai, quan trắc môi trường không khí. Trong thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh không tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Trưởng đoàn giám sát) cho rằng trước khi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Đoàn liên ngành đã giám sát thực tế tại Công ty Pouchen Việt Nam (thành phố Biên Hòa-Đồng Nai) và Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai.

Tại Công ty Pouchen Việt Nam, công tác xử lý, phân loại rác thải được thực hiện chặt chẽ, tuân thủ pháp luật, chưa để xảy ra sự cố về vấn đề xử lý chất thải công nghiệp. Riêng Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai hiện đã có 25/31 khu công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Đồng Nai thực hiện tốt chính sách, pháp luật quản lý và xử lý chất thải công nghiệp. Tỉnh cần sớm triển khai các tiêu chí về môi trường; nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cộng đồng trong việc xử lý chất thải tại nguồn; làm tốt quy hoạch, lựa chọn công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải./.

Công Phong (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giam-sat-viec-quan-ly-va-xu-ly-chat-thai-cong-nghiep-tai-dong-nai/543191.vnp