Giám sát việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách

Từ ngày 19-21/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018 tại Bảo hiểm Xã hội, Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thực hiện giám sát tại Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận thực hiện giám sát tại Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết: Trong giai đoạn 2013-2018, hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn vốn phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn; chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại đã được nguồn quỹ hỗ trợ kịp thời.

Các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá…

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, trong năm 2018, tổng số vốn quỹ hỗ trợ nông dân là 28 tỷ đồng (tăng 13 tỷ đồng so với năm 2013). Nguồn vốn này đã hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; nâng cao quy mô sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Các hộ vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng và chăm sóc thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam; trồng sen lấy hạt kết hợp nuôi cá ở huyện Đức Linh; nuôi trồng thủy sản tại huyện Hàm Tân…

Đối với ngành Bảo hiểm xã hội, từ năm 2013-2018, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong tỉnh năm sau cao hơn năm trước. So với năm 2013, đến hết năm 2018, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng mới hơn 20 nghìn người, tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 19 nghìn người, tham gia bảo hiểm y tế tăng thêm gần 300 nghìn người.

Ngoài ra, tình hình nợ đọng bảo hiểm đã từng bước giảm dần qua từng năm, đảm bảo nguồn quỹ luôn ổn định và tăng trưởng. Tổng số tiền đã chi trả các chế độ bảo hiểm cho người lao động và người dân từ năm 2013-2018 gần 9 nghìn tỷ đồng.

Tại các buổi giám sát, trên cơ sở báo cáo hoạt động của các quỹ, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và khả năng huy động nguồn vốn, đầu tư, quản lý tài chính của các loại quỹ cũng như những khó khăn, bất cập trong quá trình hoạt động, nhất là tính pháp lý về thẩm quyền và chế tài trong quy trình xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan; tính công khai, minh bạch trong quản lý nhằm đảm bảo sự giám sát của cơ quan chức năng liên quan, vấn đề tự chủ tài chính và việc sáp nhập các loại quỹ có cùng nhiệm vụ, chức năng…

Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho biết: Đợt giám sát lần này nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động các loại quỹ ngoài ngân sách trên địa bàn, từ đó chỉ ra nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại quỹ. Các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại các buổi giám sát sẽ được đoàn tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định và gửi tới các ngành chức năng liên quan để xem xét giải quyết.

Nguyễn Thanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/giam-sat-viec-quan-ly-su-dung-cac-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach_t114c1068n146138