Giám sát trọng tài Việt Nam: Nâng cao trình độ giám sát để hạn chế 'còi méo'

Sáng 29-12-2019, lễ bế giảng khóa học nâng cao trình độ giám sát trọng tài Việt Nam do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kết hợp với FIFA đã diễn ra.

Trong 4 ngày diễn ra khóa học, hai giảng viên FIFA Mohamad Rodzali Yacob và ông Subkhiddin Mohd Salleh đã đem đến rất nhiều những kiến thức bổ ích cho 35 vị giám sát trọng tài tham gia. Với đội ngũ giám sát trọng tài được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, công tác điều hành các trận đấu tại V.League 2020 được kỳ vọng sẽ ít xảy ra sai sót hơn các mùa giải trước.

Mục tiêu của VFF

Trong ngày khai giảng 25-12, đại diện phía VFF, ông Dương Văn Hiền – Ủy viên Ban chấp hành VFF, Trưởng BTC đã gửi lời cảm ơn VFF và các giảng viên của FIFA vì những giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình đối với khóa học.

“Sau chiến thắng vang dội của hai đội tuyển nam và nữ tại SEA Games 30, bầu không khí bóng đá ở Việt Nam đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Trong bất kỳ một trận đấu nào, việc đảm bảo sự hiệu quả trong công tác trọng tài là vô cùng quan trọng.

Giám sát trọng tài là những người hỗ trợ đắc lực cho các trọng tài chính. Mục đích của lớp học này là nhằm nâng cao chất lượng của công tác trọng tài và giám sát trọng tài tại Việt Nam để chuẩn bị cho các mùa giải sắp tới” – ông Dương Văn Hiền chia sẻ.

Giảng viên khóa học, ông Mohamad Rodzali Yacob cũng cho biết ông rất hy vọng các học viên sẽ tận dụng cơ hội để thu thập kiến thức và kinh nghiệm của công tác giám sát trận đấu, qua đó nâng cao chất lượng cho hệ thống trọng tài Việt Nam. Đó cũng là mong muốn của Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn.

Theo ông Tuấn, một trong những mục tiêu lớn nhất của VFF trong việc chuẩn bị cho mùa giải V.League 2020 cũng như các kế hoạch tương lai của bóng đá Việt Nam là nâng tầm chuyên môn đội ngũ trọng tài và giám sát trọng tài.

Giám sát trọng tài sẽ có quyền lực lớn hơn ở V.League 2020.

Giám sát trọng tài sẽ có quyền lực lớn hơn ở V.League 2020.

Những sai lầm của đội ngũ trọng tài là một trong những vấn đề nhức nhối nhất tại V.League nhiều mùa giải gần đây. Đến mức ông Trần Anh Tú, người đứng đầu VPF, còn phải thốt lên một câu: “Không sai lầm không phải trọng tài V.League”. Ở mùa giải năm 2019, đội ngũ những người cầm còi đã tạo ra không ít tranh cãi trong suốt mùa giải. Tại rất nhiều trận đấu, các trọng tài đã mắc những sai lầm chuyên môn tương đối ngớ ngẩn như bỏ sót lỗi, bẻ còi sau khi đưa ra quyết định hoặc phối hợp không tốt với các trợ lý.

Những tình huống sai sót của trọng tài, đặc biệt là ở phần cuối mùa giải, đã gây ra rất nhiều bức xúc cho các đội bóng và cầu thủ. Rõ ràng, việc cải thiện chất lượng đội ngũ các “ông vua áo đen” là điều cần phải làm ngay lập tức để các trận đấu V.League diễn ra một cách công bằng và quyết liệt hơn.

Trong nhiều năm gần đây, VFF đã nhiều lần tổ chức các lớp tập huấn cho trọng tài và giám sát trọng tài với những giảng viên giàu kinh nghiệm trên thế giới. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng sự thay đổi theo chiều hướng tích cực chưa diễn ra rõ nét.

Lần này, với việc tổ chức khóa học cho đội ngũ giám sát trọng tài với giảng viên đến từ FIFA, VFF đã quyết định làm một cuộc cải tổ lớn trong công tác điều hành trận đấu tại V.League nói riêng và các giải đấu trong hệ thống bóng đá Việt Nam nói chung. Tất nhiên, hiệu quả chỉ có thể được kiểm nghiệm khi trái bóng lăn trên sân.

Giám sát trận đấu là ai?

Nói một cách nôm na, nếu trọng tài được gọi là “ông vua trên sân cỏ” thì các giám sát trọng tài còn… cao hơn cả vua.

Trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, các giám sát trọng tài là người có trách nhiệm quản lý, tổ chức tập luyện hằng ngày cho trọng tài; tham gia công tác chuẩn bị cho lực lượng điều hành trận đấu bao gồm chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp cầm còi, xác định tính vô tư, trung thực, khách quan, theo dõi diễn biến trận đấu, những xử lý của trọng tài để có nhận xét, đánh giá; ngoài ra còn theo dõi kiểm tra, phát hiện những diễn biến đặc biệt về trọng tài.

Vì có trọng trách lớn như vậy nên nếu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, giám sát trọng tài buộc phải có năng lực chuyên môn ít nhất là bằng hoặc cao hơn trọng tài. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, khá nhiều giám sát trọng tài lại chưa tạo ra đủ uy tín để khiến những đồng nghiệp của mình nể trọng, chưa nói đến các cầu thủ và các CĐV.

Một yếu tố khiến nhiều người cảm thấy khá mâu thuẫn là đơn vị tổ chức và điều hành các giải đấu là VPF lại không có quyền chỉ định các trọng tài điều khiển trận đấu, đó là công việc của Ban trọng tài của VFF. Để tuyên chiến với những tiếng còi méo trong bóng đá Việt Nam, VPF buộc phải thông qua các giám sát trọng tài.

Tháng 5-2018, “cuộc chiến” giữa VPF và Ban trọng tài VFF đã nổ ra với sự căng thẳng thấy rõ. VPF lúc đó đã thông báo ngừng hợp tác vô thời hạn với trọng tài Nguyễn Văn Kiên và tạm thời không hợp tác với Phó Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền cùng trọng tài Nguyễn Trọng Thư vì nhiều lần sai sót trong khi làm nhiệm vụ tại V.League.

CĐV hy vọng những hình ảnh thế này sẽ không xuất hiện ở mùa giải mới.

Trong khi Ban trọng tài VFF luôn có xu hướng bênh “quân” của mình thì thực tế trên sân cỏ cho thấy việc cải tổ chất lượng của đội ngũ trọng tài là điều tất yếu phải diễn ra. Một trong những kế hoạch được đề ra là nâng cao chất lượng đội ngũ giám sát, những người sẽ quan sát và đưa ra quyết định về việc trọng tài có điều khiển trận đấu một cách công tâm và chính xác hay không.

Trong năm 2020, công tác trọng tài lẫn giám sát trọng tài đều sẽ được siết chặt về mặt kỷ luật. Sau mỗi trận đấu, các trọng tài sẽ được giám sát trận đấu chấm điểm. Điểm thấp nhất là 7,4 và cao nhất là 10. Nếu một trọng tài có 2 lần bị chấm dưới điểm 8 trong vòng 1 tháng, khả năng bị “treo còi” sẽ được cân nhắc.

Tất nhiên đội ngũ giám sát cũng sẽ phải chịu áp lực. Sau 5 trận đấu, nếu như giám sát đưa ra những đánh giá không chuẩn xác trong 2 trận, họ cũng sẽ phải dừng nhiệm vụ. Theo giới chuyên môn, đây là biện pháp để hạn chế tình trạng trù dập, thiếu công tâm và để tình cảm riêng tư ảnh hưởng đến đánh giá chung.

Cơ chế thẩm định chéo như vậy đẩy trách nhiệm của các trọng tài và giám sát lên rất cao. Họ sẽ phải chấp nhận bị gián đoạn công việc nếu như mắc những sai lầm liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn.

Mức kỷ luật đưa ra được nhiều người đánh giá là hợp lý, bởi các trọng tài và giám sát cũng chỉ là con người nên sự sai sót là khó tránh khỏi. Chỉ khi những sai lầm trở thành hệ thống, án kỷ luật mới được đưa ra.

Đó không chỉ là biện pháp răn đe cho những người có trách nhiệm, mà còn để các đội bóng lẫn cầu thủ, những đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ quyết định của các trọng tài được bảo vệ và thi đấu trong một môi trường công bằng nhất.

Chờ công nghệ VAR

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giám sát và các trọng tài, một câu chuyện được nhiều người quan tâm là việc liệu công nghệ VAR có được đưa vào V.League 2020.

Trước thềm mùa giải 2019, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết V.League sẽ bắt đầu sử dụng công nghệ VAR để hỗ trợ các trọng tài điều hành trận đấu, hạn chế các tình huống gây tranh cãi. Tuy nhiên, hết giai đoạn một công nghệ trên vẫn chưa được áp dụng.

Giữa tháng 7, ông Tú nói rằng tới giai đoạn cuối mùa giải VAR sẽ được dùng cho các trận đấu nhạy cảm, quyết định tới ngôi vô địch hay cuộc chiến trụ hạng. Cuối cùng V.League 2019 kết thúc nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu của VAR. Theo ông Tú, sớm nhất phải đến năm 2020 thì công nghệ trên mới có hy vọng được áp dụng ở V.League, BTC giải cần được FIFA cấp phép.

Nếu công nghệ VAR được áp dụng, những sai lầm ngớ ngẩn của trọng tài tại V.League có thể được giảm thiểu tối đa. Ví dụ như tình huống trong trận đấu giữa Viettel và Bình Dương tại vòng 24 V.League 2019 đã gây ra rất nhiều sự chú ý sau khi trọng tài Trương Hồng Vũ có hành động "bẻ còi" và từ chối bàn gỡ hòa 2-2 của Becamex Bình Dương.

Phút bù giờ hiệp hai, Hồ Sỹ Giáp tranh chấp, khiến Bùi Tiến Dũng ngã ra sân. Ông Vũ ra hiệu thổi phạt Tiến Dũng vì lỗi để bóng chạm tay, cho cầu thủ Bình Dương đá phạt hướng lên phần sân của Viettel. Sau khi đi xuống biên phải, Sỹ Giáp tạt vòng trong để Tiến Linh đệm bóng cận thành tung lưới đội chủ nhà. Ông Vũ sau đó chỉ tay lên vòng tròn trung tâm, xem như công nhận bàn thắng gỡ hòa 2-2 cho Bình Dương.

Tuy nhiên, sau khi hội ý cùng các trợ lý và trọng tài bàn, ông Vũ quyết định "bẻ còi", không công nhận bàn thắng cho Bình Dương bất chấp phản ứng gay gắt của các cầu thủ và ban huấn luyện. Nhờ vậy, Viettel giữ vững được tỷ số 2-1, có chiến thắng quan trọng trong cuộc đua trụ hạng. Với sai lầm này, VPF đã tuyên bố vĩnh viễn không bao giờ mời trọng tài Trương Hồng Vũ cầm còi ở các giải đấu.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/giam-sat-trong-tai-viet-nam-nang-cao-trinh-do-giam-sat-de-han-che-coi-meo-577118/