Giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em

Hôm qua, 3-6, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIV làm việc tại hội trường nghe và thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về hoạt động giám sát, đầu tư công và chương trình xây dựng luật, pháp luật.

NGÀY LÀM VIỆC THỨ 11, KỲ HỌP THỨ BẢY, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: TRẦN HẢI

Đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: TRẦN HẢI

Bảo vệ trẻ em bằng những hoạt động cụ thể

QH đã nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2020. Trong đó, về lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát năm 2020, tiêu chí lựa chọn, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các yêu cầu: vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu QH, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng các chuyên đề giám sát đã được QH, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của QH.

Về đề xuất nội dung chuyên đề giám sát và dự kiến cơ quan chủ trì, Tổng Thư ký QH đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Từ đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH xem xét, quyết định một trong hai chuyên đề: Chuyên đề 1, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung); Chuyên đề 2, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).

Thảo luận về đề xuất nêu trên, hầu hết các đại biểu QH đều nhất trí với chuyên đề thứ nhất. Đồng thời nêu rõ: Thời gian gần đây, những hành vi, vụ việc xâm hại, bạo hành, bóc lột trẻ em diễn biến rất phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, nhưng chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Trên thực tế, số vụ xâm hại rất lớn nhưng gia đình và nạn nhân không tố giác, do e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng đến trẻ em. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Không ít trẻ em chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết cho nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. Văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống, còn thiếu các quy định triển khai chính sách về bảo vệ trẻ em; thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và thiếu sự quan tâm, giám sát của cơ quan dân cử. Chính vì vậy, QH cần ưu tiên chương trình giám sát năm 2020 đối với chuyên đề này nhằm rà soát, đánh giá lại tất cả quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng.

Một số đại biểu QH đề nghị bổ sung nội dung giám sát chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường vào chương trình giám sát tối cao của QH, bởi đây là vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc và cũng được nhiều đơn vị đề xuất, đồng thời chưa được giám sát tối cao trong thời gian trước đây.

Sau thảo luận, QH tiến hành lấy ý kiến đại biểu QH bằng hệ thống điện tử về chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ chín, năm 2020. Kết quả, có 383 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) biểu quyết tán thành chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu QH bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bố trí vốn cho các công trình quan trọng quốc gia

Thảo luận tại hội trường về việc phân bổ và sử dụng nguồn dự phòng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, các đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) và một số đại biểu khác đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc bố trí cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 4.069 tỷ đồng. Theo đó, dự án này đã đi vào hoạt động từ năm 2015 và là một trong những dự án trọng điểm quốc gia; Chính phủ cam kết trả nợ trong đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, nếu kéo dài ra nữa, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn và Chính phủ cũng phải trả nợ rất lớn. Về nội dung này, có đại biểu đề xuất Chính phủ cần cân đối tỷ lệ bố trí vốn để phù hợp tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu của các công trình quan trọng khác.

Việc bố trí để thực hiện việc trả các nghĩa vụ của ngân sách liên quan trả nợ giải phóng mặt bằng đối với dự án hoàn thành đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết của QH. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn giữa phương án trình của Chính phủ với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách có những điểm chưa đồng thuận, vì vậy đề nghị QH nghiên cứu, xem xét, cân đối trong khoản ngân sách 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn vay điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, tỷ lệ kinh phí phù hợp, hợp lý. Đồng thời đề nghị cần cân đối một lượng kinh phí thỏa đáng cho việc bố trí các công trình giải quyết vấn đề liên quan phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.

Một số đại biểu QH đề nghị cần tiếp tục rà soát lại số tiền và mục tiêu của các dự án để bảo đảm sát với thực tế và đúng thứ tự ưu tiên. Theo đó, bên cạnh những dự án về văn hóa, lịch sử có ý nghĩa lớn, quốc gia và những dự án phục vụ cải cách tư pháp, cần rà soát lại một số dự án xây dựng trụ sở mới, xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, khu du lịch, tâm linh ở một số địa phương xem có thật sự cần thiết và cấp bách không. Bên cạnh đó, có đại biểu cho rằng: kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thực hiện được 3,5 năm, thời gian còn lại chỉ còn 1,5 năm nhưng đến nay QH mới thảo luận và cho ý kiến phân bổ nguồn vốn dự phòng là muộn. Sau khi thảo luận và quyết định phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng, thông báo phương án phân bổ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư. Việc thực hiện các thủ tục cần thiết mất từ sáu tháng đến một năm, dẫn đến thời gian còn lại để thực hiện không nhiều, sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đây là thực trạng cần phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.

Bảo đảm tính khả thi của các dự án luật

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Thảo luận về nội dung nêu trên, đa số các đại biểu đồng tình Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH và cho rằng, thời gian qua, QH, các cơ quan của QH, các đại biểu QH, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật có những chuyển biến tích cực. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành được quan tâm hơn. Do vậy, khi luật, pháp lệnh được ban hành đi vào cuộc sống là hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tập thể, cá nhân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) và một số đại biểu cho rằng, tầm nhìn lập pháp trong soạn thảo và ban hành các luật thời gian qua thường thiếu tính ổn định, trong đó có luật mới ban hành được một đến hai năm đã phải sửa đổi, thậm chí có luật vừa ban hành cũng đã đề xuất sửa… Quy định nội dung tại một số luật còn mang tính tuyên truyền, hô khẩu hiệu, điều này dẫn đến tình trạng tùy tiện, lạm quyền, lợi ích nhóm nảy sinh. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các đạo luật, hay giữa các điều luật trong cùng một luật; có luật ngôn ngữ còn thiếu tính nhất quán, văn phong còn lòng vòng dẫn đến việc nghiên cứu, triển khai để luật đi vào cuộc sống còn gặp khó khăn… Từ thực tế nêu trên, theo các đại biểu, để nâng cao chất lượng các dự thảo luật, QH, Chính phủ cần có chiến lược lập pháp dài hạn, bài bản hơn, xác định rõ trật tự ưu tiên về ban hành các đạo luật; đồng thời xây dựng dự thảo luật phải đi kèm theo các văn bản dưới luật như thông tư hướng dẫn... để đẩy nhanh quá trình đưa luật vào cuộc sống. Bởi thực tế, có luật ban hành nhưng còn chờ thông tư hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, cần kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật từ các ủy ban của QH, các cơ quan của Chính phủ đến các bộ, ngành...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và một số đại biểu cho rằng: cần ưu tiên các dự án có tính cấp thiết cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Bên cạnh đó, QH cần quyết định dự án luật sẽ được xem xét thông qua và cho ý kiến trong năm 2020 để gắn liền với các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật, từ đó tránh tình trạng “luật treo”.

Trước đó, trong phiên làm việc, QH đã lấy ý kiến các đại biểu bằng hệ thống điện tử về ba nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, như: quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định việc hạn chế thời gian bán rượu, bia; quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình...

Tôi đề xuất đưa vào chương trình giám sát của QH nội dung chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường vì tình hình vi phạm bảo vệ môi trường vẫn còn rất phức tạp, nhiều vụ xả trộm chất thải trực tiếp gây ra sự cố nghiêm trọng. Gần đây, nhiều vụ vi phạm về môi trường liên tiếp được phát hiện ở các địa phương, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe của nhân dân. Pháp luật về bảo vệ môi trường đến nay tiếp tục bộc lộ nhiều bất cập, cần tiếp tục hoàn thiện, nhất là quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa.

Đại biểu NGUYỄN THANH XUÂN (TP Cần Thơ)

Việc gửi các dự án luật xin ý kiến các đại biểu QH trong kỳ họp thứ bảy còn chậm; nhiều dự án luật gửi đến không còn thời gian để các đoàn đại biểu QH tổ chức lấy ý kiến... Do vậy, Ủy ban Thường vụ QH nên quy định rõ thời gian gửi dự thảo luật đến, bảo đảm có đủ thời gian để các đại biểu QH cho ý kiến; đồng thời mở rộng việc lấy ý kiến của nhân dân tham gia góp ý vào các dự thảo luật, góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình QH cho ý kiến và thông qua.

Đại biểu PHAN THÁI BÌNH (Quảng Nam)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40422702-giam-sat-toi-cao-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-bao-ve-tre-em.html