Giám sát thực hiện hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại Bình Dương

Ngày 4/6, Đoàn công tác Trung ương do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Bình Dương và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh về công tác giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Quang cảnh buổi giám sát.

Quang cảnh buổi giám sát.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp, đã tiến hành 134 cuộc giám sát việc hỗ trợ các đối tượng: người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm; người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Toàn tỉnh có khoảng 150.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 54.000 lao động nghỉ việc không lương; 9 doanh nghiệp xin tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, 35 doanh nghiệp xin xác minh cho 5.247 lao động ảnh hưởng do dịch COVID-19 để được hưởng chính sách hỗ trợ; 19.727 hộ kinh doanh dưới 100 triệu đồng, trong đó có 251 hộ đề nghị được hưởng chính sách theo Nghị quyết 42.

Tính đến nay, Bình Dương đã thực hiện chi trả cho 64.552 đối tượng với tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng; trong đó, có 50.998 người có công hưởng trợ cấp hàng tháng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng được bảo trợ xã hội; 6.839 người bán lẻ vé số lưu động (thuộc đối tượng người lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm).

Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương và các tổ chức thành viên đã vận động được gần 260 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh ủng hộ những người gặp khó khăn do dịch COVID-19 thông qua nhiều hình thức như: ủng hộ bằng tiền mặt, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, thực phẩm; phát khẩu trang miễn phí, ATM gạo; miễn, giảm tiền nhà trọ cho người nghèo, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lộc, công tác triển khai và phối hợp giám sát được triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, do số lượng người dân nhập cư trên địa bàn tỉnh rất đông nên gặp nhiều khó khăn cho công tác rà soát đối tượng, nhất là đối với đối tượng thuộc diện lao động tự do, khó xác định điều kiện để được hưởng chính sách theo quy định. Việc kê khai lượng người lao động ở doanh nghiệp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thực hiện còn hạn chế do còn nhiều vướng mắc về thủ tục xác nhận.

Ông Nguyễn Văn Lộc kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các cơ quan có liên quan cần đưa ra thêm giải pháp nhằm tháo gỡ việc quy định về thủ tục, hồ sơ để đơn giản hơn để những doanh nghiệp, người lao động thật sự bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hỗ trợ kịp thời. Ngoài các công việc được quy định trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thì cần bổ sung một số người lao động cũng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 như thợ hồ; bảo vệ, giữ xe (tại các shop, cửa hàng nhỏ lẻ); tiệm cắt tóc, làm móng (mà không phải hộ kinh doanh); là giáo viên các trường tư thục, cơ sở mầm non, nhóm giữ trẻ nhỏ...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của tỉnh Bình Dương; đồng thời, nhấn mạnh chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là chính sách lớn và chưa có tiền lệ. Việc giám sát góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện các chính sách, tránh chồng chéo đối tượng, ngăn chặn các hành vi trục lợi.

Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm giám sát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ được triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác, kịp thời.

Tin, ảnh: Huyền Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/giam-sat-thuc-hien-ho-tro-nguoi-gap-kho-khan-do-dich-covid19-tai-binh-duong-20200604211646217.htm