Giám sát thông tin có nội dung rao mua bán, hóa đơn không hợp pháp

Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng, ngành Thuế đang đặc biệt chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động này.

Nhiều vụ việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép đã bị phát hiện. Ảnh Internet.

Nhiều vụ việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép đã bị phát hiện. Ảnh Internet.

Cụ thể, Tổng cục Thuế lưu ý các cục thuế địa phương trong kiểm tra, thanh tra cần lưu ý thực hiện việc xác minh chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc của hàng hóa mua vào đến khâu cuối cùng khi có dấu hiệu xuất hóa đơn lòng vòng.

Chú ý kiểm tra thực tế kho hàng, xuất nhập tồn kho hàng hóa, phương tiện vận chuyển, chi phí vận chuyển, bốc xếp so với lượng hàng hóa mua vào, bán ra; Kiểm tra, xác minh hàng hóa mua vào trong trường hợp người nộp thuế có đầu vào mua từ các doanh nghiệp hoạt động tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu, hàng hóa đó.

Đồng thời, thực hiện đối chiếu chứng từ thanh toán tiền mua bán hàng hóa hạch toán tại doanh nghiệp với chứng từ thực tế phát sinh tại ngân hàng mà người nộp thuế giao dịch để phát hiện việc chuyển tiền lòng vòng, giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng...

Tổng cục Thuế lưu ý các bộ phận chức năng của cơ quan Thuế thực hiện việc xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế mình quản lý theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với nhau để cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký để kịp thời thông báo, đưa lên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế và có biện pháp xử lý ngăn chặn hậu quả.

Cơ quan Thuế các cấp cũng phải phối hợp chặt chẽ với nhau trên phạm vi địa bàn một tỉnh, thành phố hoặc trên địa bàn khác nhau của tỉnh, thành phố trong cả nước trong xử lý hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế có liên quan đến nhiều địa phương.

Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp chỉ đạo các bộ phận chức năng nghiêm túc chấp hành theo nguyên tắc, cách thức, nội dung, trách nhiệm, thời gian thực hiện,… đã hướng dẫn của Quy chế nêu trên để trả lời kịp thời kết quả việc cung cấp thông tin, xác minh về: đăng ký, kê khai, nộp thuế, in, phát hành, sử dụng hóa đơn của người nộp thuế cho cơ quan Thuế đề nghị phối hợp.

Đáng chú ý, cơ quan Thuế phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan như cơ quan Công an ngay từ khâu ban đầu đối với các vụ việc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an. Ngoài ra cũng cần phối hợp trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; Hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan Công an đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; Dự tính số thuế bị thất thoát…

Đặc biệt, Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ, Cục trưởng, Chi cục trưởng phải giao cho một bộ phận thường xuyên thực hiện việc rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng, mạng xã hội (như: Trang cá nhân trên Facebook,...), email, điện thoại,...

Từ đó, xác định danh tính, địa chỉ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của cá nhân, tổ chức rao mua bán, cung cấp hóa đơn bất hợp pháp trên địa bàn địa phương, qua đó cung cấp, chuyển thông tin các đối tượng này sang cho cơ quan công an địa phương đề nghị điều tra làm rõ.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/giam-sat-thong-tin-co-noi-dung-rao-mua-ban-hoa-don-khong-hop-phap-133942.html