Giám sát sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa

Sáng 11 - 7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát, có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2013-2018.

Đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng số các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa hiện đang hoạt động là 11 quỹ. Bao gồm: quỹ phát triển đất, quỹ đầu tư phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo trì đường bộ địa phương, quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ bảo vệ phát triển rừng và phòng hộ thiên tai, quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa và quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Trong đó, quỹ đầu tư phát triển hiện cho 7 dự án vay, số tiền cho vay 93,5 tỷ đồng/276,9 tỷ đồng tổng mức đầu tư, đã giải ngân 83,2 tỷ đồng và đến hết năm 2018 có 6/7 dự án hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo lãnh cho 31 đơn vị, trong đó có 14 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổng mức bảo lãnh 78,217 tỷ đồng...

Đại diện Sở Tài chính phát biểu tại buổi làm việc.

Các quỹ thực hiện chế độ kế toán, xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm và dài hạn. Công tác quản lý nguồn thu, chi tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Việc hạch toán, đối chiếu các nghiệp vụ phát sinh của quỹ qua hệ thống tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại; hoạt động thanh toán, sử dụng, luân chuyển vốn của các quỹ bảo đảm đúng quy định; không phát sinh rủi ro tài chính, tín dụng và các rủi ro khác trong quá trình hoạt động… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các quỹ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều hạn chế, bất cập, như nguồn thu sử dụng đất hàng năm của tỉnh không lớn và Thanh Hóa chưa cân đối được thu - chi nên việc bổ sung nguồn vốn hoạt động của quỹ phát triển đất vẫn còn hạn chế...

Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Quỹ đầu tư phát triển mới chỉ thực hiện được chức năng cho vay đầu tư và nhận ủy thác các quỹ tài chính, chưa thực hiện chức năng huy động vốn, đầu tư trực tiếp vào dự án và góp vốn thành lập tổ chức tài chính. Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do ngân sách tỉnh cấp, chưa huy động được các nguồn vốn khác do mục tiêu của quỹ là hoạt động không vì lợi nhuận và quy mô còn hạn chế nên chưa thu hút được các nguồn vốn khác. Hệ thống đường bộ địa phương có tổng chiều dài lớn, tuy nhiên nguồn vốn Trung ương bổ sung hàng năm cho quỹ bảo trì đường bộ còn hạn hẹp, tiến độ cấp kinh phí chưa kịp thời, ảnh hưởng đến công tác bảo trì đường bộ tại địa phương.

Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Đối tượng đóng góp quỹ thiên tai rộng, một số huyện, thị xã, thành phố chưa thực sự quyết liệt trong công tác thu nộp quỹ. Nguồn kinh phí thực hiện quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo không được Trung ương hỗ trợ gây khó khăn cho địa phương và rất khó cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách này. Quy chế hoạt động của các quỹ chưa rõ ràng. Các quỹ cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền nêu rõ, các quỹ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện bao gồm các loại hình hoạt động, như thu để chi, thu hỗ trợ đầu tư phát triển, bảo tồn và phát triển quỹ. Hoạt động của các quỹ bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, chưa xảy ra thất thoát, vi phạm tài chính. Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Quốc hội nên rà soát, thu gọn các loại quỹ đầu tư phát triển, còn lại các quỹ thu để chi cần tiếp tục duy trì; quỹ của các hội gắn với tài chính của các hội.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị và báo cáo của tỉnh đã bám sát đề cương của đoàn giám sát. Các quỹ đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Các quỹ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không nhiều, hoạt động của các quỹ chủ yếu dựa vào ngân sách. Việc sử dụng quỹ theo đúng quy định của pháp luật, điều lệ của quỹ. Đồng chí Phó Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo phát triển các quỹ trên địa bàn; đồng thời, nghiên cứu phạm vi chi của từng quỹ cho phù hợp. Từ thực tiễn hoạt động của các quỹ, đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp lại các quỹ để bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn.

Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/giam-sat-su-dung-cac-quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-nha-nuoc-cua-tinh-thanh-hoa/104177.htm