Giám sát phải 'không kèn, không trống' mới hiệu quả

Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, có khi để tìm hiểu được điểm nóng hay bức xúc của người dân, phải giả làm dân thường để giám sát, tức là đi giám sát 'không kèn, không trống'.

Người dân Thủ Thiêm chuẩn bị bản đồ quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm để trình bày bức xúc và nguyện vọng của mình suốt 20 năm trong một lần gặp gỡ ĐBQH hồi tháng 6/2018 - Ảnh: Lê Quân

Vì sao vụ Thủ Thiêm hơn 20 năm chưa được giải quyết?

Ngày 11/10, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phối hợp Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các chương trình phối hợp về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong 5 năm qua, khi thực hiện chương trình phối hợp, các cơ quan đã tiếp 72.601 lượt công dân đến trình bày 21.259 vụ việc, trong đó khiếu nại 13.491 việc, tố cáo 4.081 việc, kiến nghị và phản ánh 3.687 việc; có 2.023 lượt đoàn đông người. “Việc chuyển đơn không đúng thẩm quyền, “lòng vòng” giữa các cơ quan đã được hạn chế tối đa”, ông Khái nói và cho rằng, nếu chỉ một cơ quan như Thanh tra Chính phủ, địa phương hay bộ, ngành thì rất khó giải quyết, xử lý, vì nhiều khi người dân vẫn nghi ngờ.

Khiếu nại, tố cáo giảm nhưng gia tăng tính phức tạp

Theo Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp, tính từ năm 2015 - 6/2018, tình hình khiếu kiện vượt cấp lên T.Ư mặc dù có xu hướng giảm nhưng tính chất, mức độ của các vụ khiếu nại, tố cáo diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều đoàn khiếu kiện đông người có sự liên kết với nhau, tính chất gay gắt, quyết liệt, đòi yêu sách, đeo bám dài ngày gia tăng. Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu đã có những hoạt động kích động tụ tập đông người, tuần hành biểu tình và cổ súy, hỗ trợ người khiếu kiện, nhằm gây mất an ninh trật tự.

Tình trạng công dân bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, nhiều trường hợp có hành vi xúc phạm, vu khống, đe dọa hành hung cán bộ tiếp dân. Trước thực tế đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng quyết định đưa Trụ sở Tiếp công dân T.Ư vào mục tiêu bảo vệ.

Từ đó, ông đề xuất tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương với sự tham gia của nhiều cơ quan tiếp công dân tại trụ sở, còn nếu tổ chức giám sát riêng rẽ thì không hiệu quả: “Như vụ Thủ Thiêm, qua 20 năm giải quyết chưa dứt điểm. Vừa qua, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ trong 2 tháng phải có kết luận. Nếu trong thời gian trước, căn cứ vào quy chế phối hợp mà đưa đoàn giám sát vào giám sát trước, làm đến nơi đến chốn, tiếp công dân hiệu quả thì kết quả sẽ tốt hơn”.

Ông Khái cũng đề cập đến những bất cập trong quy định về tiếp công dân. Ví dụ, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong tiếp công dân như Chủ tịch xã tiếp 1 lần/tuần, huyện 2 tuần/ lần; Chủ tịch tỉnh 1 tháng/lần, Bộ trưởng 1 tháng/lần. “Nhưng như tôi Tổng thanh tra mà đưa lên mạng rằng, sẽ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân T.Ư thì có khi không tiếp được vì quá đông. Trách nhiệm là đúng rồi, quy định là đúng rồi, nhưng cách làm thì phải nghiên cứu”, ông Khái nói.

Theo ông, yêu cầu về tiếp công dân rất lớn nhưng phải nghiên cứu làm sao cho thực hiện được, không gây xáo trộn tại trụ sở, vừa giải quyết được công việc, vừa kiểm soát được tình hình. Hiện, cơ quan này đang chỉ đạo để hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo, song việc này hiện bị chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Chương trình đã hoạt động và một số tỉnh, thành đã tiếp cận nhưng chưa đầy đủ.

Không thể đối thoại hình thức

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định, tiếp công dân, xử lý khiếu nại tố cáo là trách nhiệm nhưng cũng là vấn đề phức tạp nhất của Nhà nước. Trong khi khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp, kéo dài thì các cơ quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tham gia đối thoại đến cùng với dân. “Nếu Nhà nước đúng, chúng ta bảo vệ cơ quan Nhà nước. Nhà nước có gì tồn tại, hoặc cán bộ nào làm chưa đúng thì phải dũng cảm sửa chữa. Dân đúng thì chúng ta bảo vệ dân, dân không đúng phải giải thích cho dân, nhưng phải đối thoại đến cùng, không thể đối thoại hình thức”, ông Thịnh góp ý.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, những địa phương ít khiếu kiện hoặc không khiếu kiện vượt cấp lên T.Ư là nhờ ở cơ sở được quan tâm, giải quyết. Những địa phương thiếu quan tâm, không tiếp công dân định kỳ, không hòa giải ở cơ sở thì có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh rồi đẩy lên T.Ư.

Thời gian tới, ông Mẫn cho rằng, cần tăng cường giám sát của 5 cơ quan một cách thường xuyên liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Việc giám sát, theo ông Mẫn phải có cả thường xuyên và đột xuất để nghe ngóng điểm nóng. “Giám sát không kèn, không trống, không có chương trình trước thì mới đạt được kết quả như mong muốn. Còn thành lập đoàn đi theo chương trình thì đâu đó đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ. Bởi vậy, chúng ta cũng cần giả thường dân đi tới các nơi mà chúng ta cần đi, những điểm nóng, rất bức xúc của người dân”, ông Mẫn nói.

Đặc biệt, theo ông Mẫn, giám sát rồi phải chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu, cái cần rút kinh nghiệm để người dân phải “tâm phục, khẩu phục”. Chủ tịch MTTQ Việt Nam cũng lưu ý phải tăng cường đối thoại với người dân, giải quyết thấu tình đạt lý từ cơ sở. Cùng với đó, phải chú ý hậu giám sát: “Mình đi giám sát thành lập đoàn này, đoàn kia vừa tốn kém thời gian, nhân lực nhưng khi có kết luận rồi ai thực hiện? Bởi vậy, hậu kiểm rất quan trọng, làm không cần số lượng nhiều nhưng phải có chất lượng”.

Hoài Thu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/giam-sat-phai-khong-ken-khong-trong-moi-hieu-qua-d275146.html