Giám sát duyệt dự án nhà ở: Tránh chặt trước, lỏng sau

Hà Nội cần kiên quyết không phát triển các dự án mới, những dự án đã phe duyệt thì phải có giải pháp phát triển hạ tầng cho phù hợp, đồng bộ.

Thời gian qua, cử tri Hà Nội đã có nhiều phản ánh, kiến nghị liên quan đến vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch, đất đai. Theo đó, cử tri nhiều quận, huyện đề nghị TP không xây dựng nhiều chung cư mới cao tầng trong trung tâm làm ảnh hưởng giao thông-đô thị của Thủ đô.

Đặc biệt, cử tri đề nghị TP chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm của các sở, ngành, TP, quận, huyện liên quan đến dự án xây dựng nhà ở, trong đó có các dự án nhà ở chung cư cao tầng.

Chia sẻ với nỗi lo này của cư tri Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, trước đây, trong đồ án quy hoạch Thủ đô đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt đều có định hướng lập các đô thị vệ tinh và giãn dân ra khỏi khu vực nội đô, di dời các cơ quan công sở, bệnh viện, trường học ra các đô thị vệ tinh theo chức năng để giảm áp lực cho nội đô.

"Chủ trương này đã được phê duyệt nhưng vì lý do nào đó Hà Nội vẫn có những dự án mới, đặc biệt là chuyển đổi các khu công sở, bảo tàng, triển lãm thành một số khu đô thị, chung cư... Việc đó có phần chưa phù hợp với nội dung quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt", ông Đính cho biết.

Thời gian qua, Hà Nội đã có hàng loạt sai phạm trong quản lý bất động sản gây thất thu ngân sách

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thực tế cho thấy, áp lực giao thông tại Hà Nội đang ngày càng lớn, ở những khu vực có công trình, dự án mới, đặc biệt là các khu vực có nhiều cơ quan công sở, trường học đều xảy ra hiện tượng kẹt xe cục bộ nghiêm trọng. Việc cử tri Hà Nội lo lắng là thực tại đang diễn ra hàng ngày nên hoàn toàn có cơ sở.

Vì thế, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, TP Hà Nội phải hết sức cân nhắc trước khi phê duyệt các dự án, đặc biệt là những dự án về nhà ở, gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị, gây chật chội, kẹt xe, hỗn loạn giao thông. Hà Nội phải có giải pháp quyết liệt, đặc biệt là đối với việc chuyển đổi các khu đất vàng của các cơ quan công sở khi các cơ quan này di dời ra ngoại thành.

"TP cần ưu tiên cho các đơn vị lấy nguồn lực khác để phát triển trụ sở mới chứ không nên cho đấu giá trụ sở cũ để có tiền xây trụ sở mới. Bởi một khi doanh nghiệp đầu tư nào đó bỏ giá cao nhất để có được khu đất họ, họ sẽ khai thác triệt để và lại xây lên các dự án nhà ở, tòa nhà văn phòng, khu thương mại... Khi ấy, mục tiêu giảm tải áp lực giao thông sẽ không đạt được, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Thay vào đó, Hà Nội nên ưu tiên phát triển hạ tầng công cộng, dịch vụ như công viên, khu vui chơi giải trí hay phục vụ du lịch, thương mại", ông Đính đề xuất.

Theo vị chuyên gia, song song với việc đẩy mạnh di dời các cơ quan có giao dịch dân sự đông người ra các đô thị vệ tinh bên ngoài trung tâm, chính quyền TP Hà Nội cần kiên quyết không phê duyệt, phát triển các dự án mới, các dự án phát sinh.

Đối với những dự án đã phê duyệt rồi phải khẩn trương có giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng xung quanh dự án làm sao cho phù hợp, đồng bộ, như giải phóng bớt một số công trình xung quanh để tạo thêm hạ tầng giao thông tốt hơn.

"Chẳng hạn, khu vực Giảng Võ, Liễu Giai phải đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng; đường Ngọc Khánh, Kim Mã, đê La Thành, đường vành đai 2 cũng đẩy nhanh tiến độ, hạ tầng xung quanh phải đảm bảo cho các dự án khi xây dựng xong, đưa vào sử dụng", ông Nguyễn Văn Đính lấy ví dụ.

Nhấn mạnh những việc Hà Nội cần làm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Kiểm tra, giám sát cũng lưu ý đến công tác thanh tra, kiểm tra của Hà Nội đối với các dự án nhà ở chưa thực sự chặt chẽ.

"Ở các cơ quan quản lý vẫn có phong cách làm việc theo kiểu chặt trước, lỏng sau. Thậm chí, trong quá trình kiểm tra chưa chỉ ra được những vấn đề cụ thể và có phương hướng xử lý không rõ ràng, cụ thể. Sau thanh tra, kiểm tra, việc xử lý sai phạm lại có sự buông lỏng dẫn tới hiệu quả thanh tra, kiểm tra thấp.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ vào giữa tháng 11 vừa qua đã cho thấy điều đó. Hàng loạt sai phạm trong quản lý bất động sản đã khiến Hà Nội thất thu ngân sách 6.000 tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/giam-sat-duyet-du-an-nha-o-tranh-chat-truoc-long-sau-3348400/