Giám sát dự án Thủ Thiêm: Người nhà có khách quan?

Việc giám sát dự án khu đô thị Thủ Thiêm nên để cho đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện nhằm đảm bảo khách quan, hiệu lực, hiệu quả cao hơn.

Trước thông tin Đoàn ĐBQH TP.HCM đang lên kế hoạch tổ chức đoàn giám sát riêng về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch giám sát này.

Ông cũng cho rằng, việc giám sát lẽ ra phải được tiến hành thường xuyên, không chỉ ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mà ở các dự án lớn khác của TP như Nam Sài Gòn, Củ Chi... cũng cần giám sát.

Theo nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đối với kế hoạch giám sát dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, đoàn giám sát nên tập trung làm rõ tính pháp lý của dự án, mối hệ giữa dự án với những người dân có liên quan.

Ngoài ra, nếu đoàn giám sát đủ sức thì cần làm rõ về mặt kỹ thuật, kinh phí... của dự án.

Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ lập đoàn giám sát riêng dự án Thủ Thiêm. Ảnh: Tuổi trẻ

"Nếu đoàn giám sát làm được và công khai được các vấn đề trên thì rất tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, nếu có một cơ quan độc lập hơn, chẳng hạn đoàn giám sát của Trung ương, cụ thể là của Quốc hội, thực hiện công việc này thì sẽ tốt hơn, đảm bảo tính khách quan hơn. Vì thực ra, đoàn ĐBQH TP.HCM vẫn chịu sự lãnh đạo của đảng bộ TP", TS.KTS Võ Kim Cương đề xuất.

Ông cũng dự đoán, khi đoàn giám sát vào kiểm tra, việc phát hiện sai phạm trong dự án là khó tránh khỏi.

"Nếu đã kiểm tra thế nào cũng phát hiện được sai phạm, chỉ không biết nặng nhẹ ra sao.

Trong hoàn cảnh pháp luật của Việt Nam chưa thật rõ ràng, trước những bức xúc của sự phát triển, rất dễ có sự linh hoạt giải quyết. Đặc biệt, có nhiều việc mang có tính lịch sử, có thể ở thời điểm nào đó nó là sai phạm nhưng qua thời điểm khác nó lại là chiến công.

Hoàn cảnh đất nước có nhiều chuyện như vậy nên cách đánh giá, nhìn nhận cũng phải linh hoạt. Do đó, cần phải làm cho rõ những điểm này", TS.KTS Võ Kim Cương lưu ý.

Cũng cho ý kiến về kế hoạch giám sát dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm của Đoàn ĐBQH TP.HCM, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm không phải là câu chuyện của riêng TP.HCM mà là câu chuyện của cả nước.

Do đó, nếu muốn giám sát dự án này thì nên giám sát ở tầm Quốc hội chứ không phải ở tầm đoàn ĐBQH TP.

"Đoàn ĐBQH TP giám sát thì khác nào HĐND TP giám sát? Giám sát chuyện trong nhà mình thì liệu có khách quan hay không? Nếu có vấn đề gì thì liệu có được công khai ra hết hay không?

Về nguyên tắc, Đoàn ĐBQH TP chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ TP. Trong nhà đi giám sát với nhau thì hiệu lực, hiệu quả sẽ không cao và kiến nghị khó khách quan.

Quyết định liên quan đến quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm là từ Trung ương, trong nhà giám sát chuyện Trung ương thực hiện trên địa bàn của mình thì e rằng chưa đủ tầm. Chưa kể, vấn đề này liên quan đến chuyện một số người dân đã khiếu nại kéo dài rất nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng nhạy cảm và là chuyện đại sự.

Vì những lẽ đó, nếu có giám sát thì tôi đề nghị thành lập một đoàn giám sát của Quốc hội. Đó cũng là một giám sát điển hình, trong đó kết hợp với giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Thực hiện giám sát ở tầm Trung ương thì những chủ trương, chính sách và việc xử lý mới đến nơi đến chốn, rạch ròi và có hiệu lực thi hành cao", Luật sư Trần Quốc Thuận chỉ rõ.

Theo TS.KTS Võ Kim Cương, bên cạnh việc giám sát dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, còn có vụ việc gây bức xúc dư luận không kém, đó là vụ đòi đập bỏ công trình Dinh Thượng Thơ (59-61 Lý Tự Trọng, quận 1), một kiến trúc cổ có từ thời Pháp, khoảng 150 tuổi, để xây dựng cơ quan công quyền của TP.HCM.

Vụ việc gây ra những tranh luận nảy lửa và nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM hy vọng, Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng sẽ kiểm tra, giám sát và có ý kiến chính thức.

TS.KTS Võ Kim Cương cho biết, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Văn phòng UBND TP.HCM nói rằng Dinh Thượng Thơ không phải là di tích nên không được bảo tồn là không đúng.

"Họ đưa ra một thông báo danh sách các công trình cần bảo tồn từ năm 1995 trong khi đó chưa có luật Di sản và chưa có một nghiên cứu đầy đủ rồi lấy cớ đó để đòi đập bỏ công trình là không ổn.

Đoàn ĐBQH TP nên quan tâm đến những việc như vậy và cần thăm dò dư luận. Nếu trung tâm TP.HCM mất đi những công trình như thế thì không còn sự hấp dẫn nữa.

Có một sự tréo ngoe ở TP.HCM, đó là: trong khi Thủ Thiêm dành cho phát triển hiện đại lại xây nhà biệt thự thì khu trung tâm vốn đã có sẵn một không gian để gìn giữ bảo tồn thì lại đi phát triển theo kiểu xây những tòa nhà chọc trời.

Trong thuyết minh quy hoạch chung TP năm 2010 cũng đã nêu rõ, khu vực trung tâm cũng là khu vực bảo tồn cảnh quan chứ không phải cho phát triển tự do.

Kinh tế là quan trọng nhưng văn hóa và môi trường còn quan trọng hơn, nó tạo cái hồn của đô thị mà mất đi cái đó thì rất gay go", TS.KTS Võ Kim Cương trăn trở.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/giam-sat-du-an-thu-thiem-nguoi-nha-co-khach-quan-3357835/