Giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Những tháng đầu năm 2023, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên cả nước giảm so với năm 2022, nhưng theo khuyến cáo của Cục Thú y, nguy cơ các loại bệnh như: dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... có khả năng tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Bên cạnh đó, tại các tỉnh, thành phố nhiều đàn gia cầm vẫn chưa được tiêm phòng vắc-xin, vi-rút cúm gia cầm (các chủng vi-rút như H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khoảng 6%.

Thực hiện giám sát dịch bệnh tại Trạm Kiểm dịch động vật và thủy sản thị xã Nghi Sơn.

Thực hiện giám sát dịch bệnh tại Trạm Kiểm dịch động vật và thủy sản thị xã Nghi Sơn.

Tại Thanh Hóa, tuy chưa phát sinh ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm nhưng công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh đang được triển khai tại các địa phương nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm ở động vật, các bệnh truyền nhiễm lây giữa vật nuôi và người, có nguy cơ gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi về việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, nguy cơ, tác hại của các loại dịch bệnh ở động vật như: bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò... Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, kiểm soát các xe chở gia súc, gia cầm đi qua địa bàn tỉnh... Đồng thời, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, giết mổ, chế biến, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc và sản phẩm nhập lậu... Để công tác giám sát dịch bệnh hiệu quả, các địa phương đã yêu cầu các chủ cơ sở chăn nuôi xây dựng và giám sát dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của cơ quan thú y, theo dõi, ghi chép quá trình nuôi, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch... Cơ quan thú y căn cứ diễn biến của dịch bệnh động vật, xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh động vật trong quá trình nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật. Đồng thời, định kỳ hoặc đột xuất điều tra, lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật. Từ đó, căn cứ kết quả giám sát, đặc điểm dịch tễ của bệnh động vật, tiến hành dự báo, cảnh báo về một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp phát hiện dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan y tế, cảnh báo tới người chăn nuôi để chủ động thực hiện các biện pháp cách ly động vật lây nhiễm, phòng, chống dịch bệnh động vật lây sang người.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện 206 mẫu Swabs giám sát bệnh cúm gia cầm tại các chợ đầu mối; lấy 80 mẫu giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi, 12 mẫu huyết thanh chó, 4 mẫu huyết thanh gia cầm, lấy mẫu chẩn đoán và giám sát chủ động các bệnh trên gia cầm tại 6 trang trại gia cầm. Kết quả không có mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, phát hiện 5,25% mẫu dương tính với cúm A, trong đó 1 mẫu dương tính với bệnh cúm gia cầm A/H5N1, tỷ lệ 0,64%; lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc-xin dại, số mẫu bảo hộ 9/12, mẫu đạt 75%...

Những kết quả trên đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin rộng rãi tới các hộ, chủ cơ sở chăn nuôi, các cơ sở vận chuyển, giết mổ, chế biến sản phẩm động vật để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, chi cục cũng đưa ra dự báo, cảnh báo về một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả phòng bệnh, bảo đảm đàn vật nuôi khỏe mạnh cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giam-sat-dich-benh-tren-dan-gia-suc-gia-cam/27288.htm