Giám sát, đánh giá các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục

Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng Thông tư quy định về giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để các tổ chức kiểm định chất lượng ngày càng làm tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT.

Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT.

Không phải cứ kiểm định là đạt

- Ông nói sao khi có ý kiến cho rằng trường nào kiểm định cũng công nhận đạt?

Thực tế không phải trường nào được đánh giá ngoài cũng đạt. Theo kết quả đánh giá của 5 tổ chức kiểm định, đã có 5 trường được đánh giá ngoài nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Ở những trường này, tỷ lệ số tiêu chí đạt khi đánh giá ngoài không tới 80% nên đã không đề nghị tổ chức kiểm định thực hiện việc thẩm định kết quả đánh giá.

Có không ít trường khi gửi báo cáo tự đánh giá đến các tổ chức kiểm định thì được tổ chức kiểm định tư vấn không nên tiến hành đánh giá ngoài ngay vì trường cần có thêm thời gian để thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng.

Đó cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ trường được công nhận kiểm định khá cao so với tổng số trường được đánh giá ngoài.

Quy trình kiểm định có 4 bước: Tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận kết quả đánh giá. Sau khi hoàn thành tự đánh giá, nhà trường gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan chủ quản và Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) để báo cáo.

Nếu bảo đảm về cấu trúc và hình thức của báo cáo theo hướng dẫn, Cục sẽ cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.

Sau đó, nhà trường sẽ liên hệ với tổ chức kiểm định để đăng ký đánh giá ngoài, gửi hồ sơ tự đánh giá cho tổ chức kiểm định để thẩm định.

- Bộ GD&ĐT thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các trung tâm kiểm định chất lượng như thế nào, ông có thể chia sẻ?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành khá đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo. Bộ GD&ĐT cũng coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục và các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục để công tác này ngày càng đi vào nền nếp.

Năm nay, Thanh tra Bộ GD&ĐT đang tiến hành thanh tra theo kế hoạch đối với 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, đó là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Đà Nẵng.

Việc thanh tra này nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, không phải là thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng Thông tư quy định về giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để các tổ chức kiểm định chất lượng ngày càng làm tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ảnh minh họa.

“Độc lập” là nguyên tắc quan trọng nhất của kiểm định chất lượng giáo dục

- Có ý kiến cho rằng, 4 trong số 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay thuộc cơ sở giáo dục ĐH, như vậy khi tiến hành kiểm định sẽ thiếu tính độc lập, khách quan?

Hiện nay chúng ta đang có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước được thành lập và cấp phép hoạt động, gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Vinh.

Trong số này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định cho phép Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội. 4 trung tâm còn lại là các trung tâm kiểm định của nhà nước do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quyết định thành lập, đặt tại các cơ sở giáo dục ĐH. Đối với 4 trung tâm này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là người quyết định bổ nhiệm Giám đốc trung tâm. Hiện nay, các trung tâm đều hoạt động theo quy định chung của Bộ GD&ĐT và theo quy chế tổ chức và hoạt động riêng của trung tâm.

Tính độc lập, khách quan trong hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã được quy định trong Luật và các văn bản dưới luật. Có 3 nhóm nguyên tắc cơ bản của kiểm định đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH, đó là: Độc lập, khách quan, đúng pháp luật; Trung thực, công khai, minh bạch; Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ. Trong đó, “độc lập” là nguyên tắc quan trọng nhất của tất cả các mô hình kiểm định.

Hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đang tiến hành khảo sát chuyên đề về việc thi hành chính sách bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH; dự kiến cuối tháng này, Ủy ban sẽ làm việc với Bộ GD&ĐT để trao đổi về kết quả khảo sát. Có 3 nhóm vấn đề được Ủy ban chú trọng khảo sát liên quan đến nguyên tắc “độc lập” của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là: tổ chức, chuyên môn và tài chính.

Về tổ chức của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, như đã nói ở trên. Về chuyên môn, tính độc lập được thể hiện rất rõ, nếu thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT thì khó có thể can thiệp được vào kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Các thành viên tham gia đánh giá ngoài đều phải có thẻ kiểm định viên hoặc chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên.

Về vấn đề tài chính, theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trung tâm kiểm định đặt trong ĐH, trường ĐH chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động thường xuyên tối đa không quá 3 năm đầu mới thành lập theo dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao hằng năm, còn sau đó trung tâm phải tự lo. Thực tế đến nay, về cơ bản, các trung tâm có thể tự lo được về kinh phí để hoạt động.

Bộ GD&ĐT quy định và hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của từng vị trí, từ trưởng đoàn, thư ký đến các thành viên trong đoàn đánh giá ngoài. Khi đánh giá phải căn cứ vào minh chứng và việc đáp ứng yêu cầu của từng tiêu chí so với sứ mạng mục tiêu của nhà trường.

Sau khi có kết quả đánh giá ngoài, Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định kết quả đánh giá và công khai nghị quyết của Hội đồng trên trang thông tin điện tử của trung tâm. Cuối cùng, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khong-phai-cu-kiem-dinh-la-dat-4032740-v.html