Giám sát chi tiêu địa phương

Nếu bạn đi tới thành phố Lai Châu qua tỉnh lộ 129, ở cuối đường sẽ bắt gặp một tổ hợp kiến trúc lớn. Đó không phải là một đô thị kiểu mẫu, mà là khu hành chính tập trung của tỉnh, xây dựng nhân kỷ niệm 100 năm danh xưng.

Vào thời điểm khánh thành năm 2009, đây là trung tâm hành chính đầu tiên trong cả nước, có kinh phí gần 600 tỉ đồng. Là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, kinh phí xây dựng chủ yếu đến từ nguồn trung ương hỗ trợ.

Khu trung tâm Hành chính, Chính trị tỉnh Lai Châu. Ảnh: báo Lai Châu.

Tôi nhớ đến khu hành chính lộng lẫy này khi nghe tin ở đầu kia của tỉnh lộ 129, huyện Sìn Hồ, trận lũ quét khủng khiếp vừa qua cướp đi sinh mạng của 12 người và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người khác. Trả lời với báo chí, lãnh đạo địa phương cho biết chưa thể di dời các hộ dân ở khu vực nguy hiểm vì thiếu kinh phí. Đây là địa bàn mà lũ quét xảy ra hàng năm, khi có đến bảy người dân thiệt mạng trong năm ngoái.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 990 năm danh xưng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đề xuất chi đến 104 tỉ đồng cho hàng loạt các hoạt động liên quan. Thanh Hóa có nhiều cái nhất mà không địa phương nào mong muốn: là một trong hai tỉnh nhiều huyện nghèo nhất, nhận tiền hỗ trợ từ trung ương nhiều nhất, và là một trong các tỉnh thường xuyên nhận gạo cứu đói nhất. Dù UBND tỉnh chưa phê duyệt đề xuất này, nhưng khoản dự toán này phần nào cho thấy vấn đề trong cách tiêu tiền ngân sách cấp tỉnh.

Khi không thể giám sát quyền chi tiêu của địa phương, sẽ tiếp tục có những công trình, tượng đài bỏ hoang, tòa nhà hành chính “thiếu không khí”, rồi những lễ kỷ niệm phù phiếm, tương phản với chất lượng các dịch vụ công như giao thông, hệ thống y tế, giáo dục, và an sinh xã hội ngày càng đi xuống.

Hai tình huống trên không phải là hiếm ở các địa phương. Đâu đó trên mặt báo, chúng ta sẽ thấy tỉnh này chi tiền cho lễ hội này, tỉnh kia khánh thành công trình chào mừng kỷ niệm sự kiện nào đó. Trong khi ngay chính tại địa bàn, họ lại trì hoãn các công trình công cộng, các dự án hỗ trợ người dân, với lý do thiếu kinh phí. Nó khiến cho những người có lý trí và lương tri phải tự đặt câu hỏi liệu lãnh đạo địa phương thực sự không đủ khả năng cân nhắc những ưu tiên ngân sách, hay bởi những khoản chi màu mè tạo ra “giá trị thặng dư” cho nhóm lợi ích nào đó?

Nhiều tỉnh có lý do để tăng chi tiêu công, bất kể khoản chi đó được dành cho mục đích nào. Điều này không phải là vô lý: đầu tư khu hành chính ngàn tỉ đồng hay tổ chức lễ hội cũng sẽ cần nhân công và nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương, chí ít cũng giúp kinh tế tỉnh được hưởng lợi ít nhiều. Nhưng, một cây cầu xây dở, bị “tạo hình chữ V”, khi sửa đi sửa lại cũng góp phần tăng GDP địa phương. Tính toán chi tiêu không thể chỉ dựa trên việc tăng chi không kiểm soát, mà phải phân bổ một các hợp lý để ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Khi nguồn lực ngân sách ngày càng khan hiếm, yêu cầu này càng phải được chấp hành nghiêm túc.

Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, những khoản chi như trên phải được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua. Về mặt lý thuyết, đây là cách để kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền của lãnh đạo, bởi hội đồng nhân dân là cơ quan dân cử và có quyền phủ quyết các khoản đề xuất chi không hợp lý. Tuy vậy, thực tế cho thấy hội đồng nhân dân chưa phát huy được vai trò của mình, trở thành cơ quan để hợp thức hóa ý kiến của một số lãnh đạo, thay vì đảm nhiệm vai trò giám sát và phản ánh nguyện vọng của cử tri.

Ở một số địa phương, có giai đoạn vị trí chủ tịch ủy ban nhân dân (cơ quan ra quyết định chính sách) và chủ tịch hội đồng nhân dân (cơ quan đại diện quyền lực nhân dân và giám sát) lại do cùng một cá nhân nắm giữ. Thêm vào đó, phần lớn đại biểu hội đồng nhân dân lại là cán bộ làm việc cho bộ máy nhà nước, tạo ra tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi khi họ lại chính là người bỏ phiếu thông qua những hạng mục chi tiêu có thể đem lại lợi ích cho mình. Ngay cả khi không có lợi ích nhóm nào, đại biểu hội đồng nhân dân cũng ít ai can đảm đi ngược lại ý chí của lãnh đạo, những người có quyền quyết định đường thăng tiến của họ. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà đã từng có đề xuất “xóa sổ” hội đồng nhân dân ở cấp cơ sở.

Ngay trong bộ máy nhà nước đã như vậy, sẽ rất khó để các tổ chức được trao quyền giám sát khác như Mặt trận Tổ quốc hay các đoàn thể quần chúng có tiếng nói tác động đến chi ngân sách địa phương.

Người dân chuyển hướng kỳ vọng sang giám sát cấp cao: cơ quan quản lý ở trung ương sẽ “tuýt còi” khi thấy chính quyền địa phương có dấu hiệu sai phạm. Nhưng đây cũng không phải là cách làm hiệu quả: luật ngân sách đã phân quyền, nhiều khoản chi địa phương có quyền tự quyết mà không cần phải thông qua trung ương. Thêm vào đó, công tác giám sát cũng không thể tiến hành liên tục với 63 tỉnh, thành do quy mô quá lớn và hạn chế về tiếp cận thông tin.

Câu chuyện giám sát chi tiêu công ở địa phương, vì thế, lại quay về với trách nhiệm của chính người dân. Luật Ngân sách nhà nước 2015 tạo nhiều điều kiện cho công chúng thực hiện chức năng này, đặc biệt thông qua các điều khoản bắt buộc địa phương phải công khai sớm số liệu tài chính liên quan đến ngân sách. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian và khả năng đọc báo cáo tài chính và phát hiện ra vấn đề. Thêm vào đó, nếu phát hiện ra thì phàn nàn ở đâu cũng là câu hỏi lớn.

Khi không thể giám sát quyền chi tiêu của địa phương, sẽ tiếp tục có những công trình, tượng đài bỏ hoang, tòa nhà hành chính “thiếu không khí”, rồi những lễ kỷ niệm phù phiếm, tương phản với chất lượng các dịch vụ công như giao thông, hệ thống y tế, giáo dục, và an sinh xã hội ngày càng đi xuống. Những nỗ lực cải cách của “Chính phủ kiến tạo” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu trong hơn hai năm qua là rất đáng ghi nhận, nhưng khi chưa xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, thì cố gắng của cả bộ máy cũng sẽ không đi đến đâu.

Hơn tất cả, câu chuyện giám sát không thể không nhắc đến đối tượng giám sát: các lãnh đạo địa phương. Kêu gọi các lãnh đạo nêu cao tấm gương đạo đức là việc nói dễ hơn làm, bởi nói như Lord Acton, “quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Nhưng tôi tin rằng, không vị lãnh đạo nào muốn được nhắc đến với thái độ như khi người dân nói về khu hành chính lộng lẫy ở Lai Châu sau mỗi đợt thiên tai.

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274699/giam-sat-chi-tieu-dia-phuong-.html