Giám sát chặt, thực hiện nghiêm quy định nêu gương

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và tinh thần nêu gương. Kế thừa di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh mặt trái của kinh tế thị trường đang có những tác động tiêu cực, việc giữ gìn đạo đức, nêu gương càng phải được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc.

 Niêm yết công khai kế hoạch tu dưỡng đạo đức cá nhân của người đứng đầu tại quận Long Biên. Ảnh: Bá Hoạt

Niêm yết công khai kế hoạch tu dưỡng đạo đức cá nhân của người đứng đầu tại quận Long Biên. Ảnh: Bá Hoạt

Còn nhiều băn khoăn

Nhìn chung, đại bộ phận cán bộ, đảng viên đã thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương, tiên phong, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự nêu gương, nói không đi đôi với làm, thậm chí vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân… Trước thực tế này, ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Bàn về Quy định số 08-QĐi/TƯ, nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà phân tích, trong thực tế, ba quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên do 3 cấp: Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã được ban hành. Điều này cho thấy, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà còn là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng.

Việc Ban Chấp hành Trung ương với tư cách là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng phải ban hành một quy định về nêu gương, được coi là cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với chính mình và với toàn Đảng, toàn dân. Quy định này cũng được công bố cho tất cả các tổ chức Đảng, trên toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả nhân dân, cán bộ, đảng viên đều nắm được và có trách nhiệm theo dõi, giám sát.

Tiến sĩ Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, chưa có thời kỳ nào vấn đề nêu gương được Đảng đề ra mạnh mẽ và nghiêm khắc ở tất cả các nội dung, đối với tất cả các đối tượng đảng viên như hiện nay. Nhưng thực tế cho thấy, việc thực thi các quy định chưa tương xứng với nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, nhất là khi Đảng ta mang tư cách Đảng cầm quyền.

“Một loạt cán bộ các cấp, mà trong lịch sử của Đảng ta, lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị đương chức (ông Đinh La Thăng - PV) bị truy tố trước pháp luật về tội tham nhũng. Nhà có gia phong, nước có quốc pháp, Đảng có Đảng cương. Gia phong, quốc pháp, đảng cương mà lỏng lẻo thì không thể nói chuyện gia đình tốt, đất nước yên ổn, Đảng hùng mạnh”, Tiến sĩ Nhị Lê phân tích.

Đề cao vai trò của nhân dân

Trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần nêu gương. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi cả nước phát động phong trào quyên góp cứu trợ đồng bào bị đói, Người đã quyết định một tuần nhịn ăn một bữa để đóng góp vào phong trào này. Bác cũng xắn quần lội ruộng, cùng với nông dân Thái Bình, Hà Nội tát nước chống hạn... Tinh thần gương mẫu, nêu gương của Bác đến nay vẫn là bài học quý cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, thực tiễn và tâm tư quần chúng nhân dân hiện nay càng đòi hỏi “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. “Vừa qua, việc một số cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật bị xử lý nghiêm đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân. Vai trò của cán bộ cấp cao thực tế có tác động đến cả nước, thậm chí cả quốc tế. Do đó, hơn lúc nào hết phải đặc biệt đề cao sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo”, ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cũng cho rằng, đảng viên phải tiên phong thực hiện đúng, đủ, tốt quy định của Đảng để rèn luyện, phấn đấu. Để chủ trương nêu gương đi vào cuộc sống, phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tinh thần phê bình và tự phê bình từ chi bộ.

“Hơn 30 năm đổi mới, 50 năm thực hiện tác phẩm của Bác Hồ về “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, chúng ta nhận thấy, thời gian qua, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm xuất hiện khá phổ biến, vì vậy cần phải quan tâm, quét sạch. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là vai trò giám sát của nhân dân. Hơn ai hết, tại các khu phố, khu dân cư ở địa phương, cơ sở, nhân dân nắm rõ đảng viên đó như thế nào. Phải tạo cơ chế để nhân dân có ý kiến chuẩn xác thì chắc chắn quy định nêu gương sẽ càng được thực hiện hiệu quả”.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cũng nhận định, cán bộ, đảng viên, đặc biệt trông đợi ở những người đứng đầu các cấp ủy suy nghĩ thế nào, thể hiện bằng chương trình hành động cụ thể gì. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, 9/10 khuyết điểm trong Đảng của chúng ta vừa qua là do buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát.

Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát tới đây phải được tăng cường hơn nữa, để Quy định số 08-QĐi/TƯ đi vào cuộc sống hiệu quả.

5 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xay-dung-dang/931167/giam-sat-chat-thuc-hien-nghiem-quy-dinh-neu-guong-