Giám sát chặt nguồn vốn bất động sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị quyết 33 nêu rõ triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và hướng nguồn tiền đến nhu cầu thực, nâng cao chất lượng an sinh xã hội. Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh việc cần giám sát chặt để nguồn vốn vào đúng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Khu Nhà ở xã hội Ecohom 3 - Bắc Cổ Nhuế – Chèm, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Khu Nhà ở xã hội Ecohom 3 - Bắc Cổ Nhuế – Chèm, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Nghị quyết 33, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình. Bên cạnh đó, xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Nhìn nhận giải pháp trên, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chủ trương đưa gói 120.000 tỷ đồng mà 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cam kết vào Nghị quyết là rất tốt. Gói hỗ trợ này là giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ và các ngân hàng có thể thực hiện ngay để giúp đỡ thị trường.

Theo ông Hiếu, gói này sẽ hấp thụ nhanh vì quy mô nhỏ, lại tung ra trong thời điểm thị trường bất động sản đang rất khát vốn. Thủ tục cho vay bất động sản sẽ làm nhanh trong hai tuần nếu đáp ứng được các điều kiện cho vay, và có thể giải ngân sau 1 tháng. Ít nhất trong 3 tháng đầu, 10% số vốn của gói được giải ngân và trong năm 2023, nếu làm thật nhanh có thể giải ngân được 50%, để hoàn thiện 100% chúng ta cần khoảng 12 tháng.

Tuy vậy ông Hiếu phân tích: Khả năng hấp thụ của thị trường còn phụ thuộc vào những điều kiện áp dụng của gói chính sách và hiệu quả của quá trình thực thi. Đồng thời, một trong những trở ngại của các gói tín dụng ưu đãi, đó là nhiều người dân có nhu cầu nhưng không chứng minh được thu nhập để đủ điều kiện vay nếu không có giao dịch qua tài khoản ngân hàng, mặc dù họ là những người có thu nhập và khả năng trả nợ. “Chính sách, điều kiện tiếp cận chính sách cần đúng quy định nhưng cũng phải được đơn giản hóa hết sức có thể. Hãy cho phép các địa phương giúp người dân chứng minh thu nhập. Bên cạnh đó cần có cơ chế giám sát để dòng vốn chảy vào đúng chỗ, đúng dự án khả thi, đúng doanh nghiệp có năng lực trả nợ, tránh xảy ra tình trạng người đã có nhà, hay không phải đối tượng có thu nhập thấp nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ, làm xói mòn lòng tin của người dân vào chính sách tốt đẹp của Chính phủ”, ông Hiếu lưu ý.

Ở góc nhìn khác, TS Trần Xuân Lượng - chuyên ngành bất động sản (Đại học Kinh tế quốc dân) bày tỏ: Thời điểm hiện tại chưa thể đánh giá được lợi ích sâu của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, vì nó phải phụ thuộc vào tiến độ giải ngân của các ngân hàng, bởi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2012 - 2016 thời gian đầu việc giải ngân cũng xảy ra nhiều vướng mắc về thủ tục, dẫn đến tiến độ giải ngân chậm. “Theo tôi, gói tín dụng này ở thời điểm hiện tại chỉ có tác dụng giúp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, còn với mức lãi suất như vậy thì chưa cho thấy có sự hỗ trợ đặc biệt nào dành cho các đối tượng liên quan”, ông Lượng nêu quan điểm.

Dù vậy, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhấn mạnh vấn đề quan trọng khi triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này là dòng tiền phải đi đúng hướng, hvướng tới phân khúc an toàn của thị trường bất động sản. "Hiện nay gói tín dụng đã tăng gấp 4 lần, với những yêu cầu mà cơ quan quản lý đặt ra từ chủ đầu tư bất động sản, người đi vay và cả các ngân hàng thương mại sẽ giúp đảm bảo gói tín dụng bất động sản đi đúng hướng và phát triển lành mạnh, theo đúng hướng của Chính phủ", bà Hoàng Anh kỳ vọng.

PHƯƠNG CHI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-chat-nguon-von-bat-dong-san-5712675.html