Giám sát chặt kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nhiều lo ngại về việc khi giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương sẽ khó tránh khỏi gian lận thi cử và kết quả dùng để xét tuyển ĐH có khách quan, chính xác?

Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến, năm nay, giáo viên các địa phương sẽ đảm nhận khâu coi thi của địa phương mình (đổi chéo giữa các trường trong cùng một tỉnh), thay vì có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH với tỉ lệ 50%-50% như năm trước.

Gian lận thi cử có tái diễn?

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie - Hà Nội, bày tỏ sự lo lắng về tính khách quan, công bằng của kỳ thi vì ở góc độ quyền lợi, các địa phương có xu hướng thích thành tích cho mình. Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm này chỉ để xét tốt nghiệp THPT thì nỗi lo không nhiều bởi mọi năm, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương đều rất cao. Tuy nhiên, năm nay nhiều trường ĐH, trong đó có rất nhiều trường tốp đầu, đều công bố sẽ lấy kết quả kỳ thi này để tuyển sinh ĐH. Điều đó đã dẫn đến nỗi lo là giao kỳ thi cho các tỉnh, lại không có sự tham gia của các trường ĐH, thì kết quả có thể sẽ không phản ánh chính xác học lực của học sinh.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: NGÔ NHUNG

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: NGÔ NHUNG

"Điều gì sẽ xảy ra khi các trường ĐH sử dụng kết quả thi để tuyển sinh nhưng lại đứng ngoài cuộc? Liệu Bộ GD-ĐT có thể cam kết sẽ không để tái diễn tình trạng gian lận thi cử khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về các địa phương? Bài học tiêu cực thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia không bao giờ là cũ" - trưởng phòng đào tạo một trường ĐH lớn ở Hà Nội đặt vấn đề.

Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng dù kỳ thi năm nay mang tên là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường ĐH đều vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, thậm chí chỉ tiêu tuyển sinh dành cho phương thức xét điểm thi THPT năm nay ở các trường có thể cao hơn năm trước do phần lớn các kỳ thi tuyển riêng đều đã bị hủy bỏ. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT phải tăng cường vai trò giám sát kỳ thi của các trường ĐH, tăng cường đội ngũ thanh tra ủy quyền của bộ.

Phủ kín thanh tra, kiểm tra

Trước những lo lắng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Tuyệt đối phải bảo đảm an toàn cho kỳ thi". Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cán bộ, giảng viên ĐH không tham gia công tác coi thi, chấm thi nhưng Bộ GD-ĐT sẽ huy động lực lượng này để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Dự kiến bộ sẽ huy động gần 5.000 cán bộ, giảng viên ĐH có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác coi thi tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương. Cụ thể, sẽ chia làm 2 nhóm, nhóm thứ nhất thanh tra, kiểm tra ở cấp bộ (đoàn của bộ đi thanh tra, kiểm tra tại 63 địa phương). Nhóm thứ 2, huy động cán bộ, giảng viên để bổ sung, hỗ trợ các sở GD-ĐT thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác coi thi tại địa phương.

"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và đang chờ được phê duyệt ban hành. Sau đó, chúng tôi thông tin chi tiết hơn về nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra, trong đó có vai trò của lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH được huy động tham gia hoạt động này" - ông Cường thông tin.

Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng cho biết năm nay, bên cạnh thanh tra cấp bộ, thanh tra cấp sở như các năm trước sẽ có sự tham gia của thanh tra cấp tỉnh để bảo đảm phủ kín công tác thanh - kiểm tra tại các điểm thi. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của 3 cấp bộ, tỉnh và sở được thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc tổ chức các đoàn thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.

Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức thanh tra các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại 63 địa phương trong suốt thời gian coi thi, chấm thi. "Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc cụ thể với các địa phương, trường ĐH để thống nhất cách thức phối hợp và xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên tham gia trong công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Đặc biệt là trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, giảng viên tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra…" - ông Nguyễn Đức Cường nói.

Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ bên cạnh thanh tra của các địa phương. Năm nay, ngành giáo dục nhận được sự hỗ trợ tích cực của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an. Tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT ngày 27-5, 2 cơ quan này thống nhất sẽ tích cực phối hợp với ngành giáo dục trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh cho kỳ thi.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giam-sat-chat-ky-thi-tot-nghiep-thpt-20200531215157998.htm