Giám sát chặt cơ sở vi phạm quy định phòng cháy

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy tại các cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Qua đây bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý. Do đó, để ngăn ngừa các vụ cháy, nổ xảy ra cần tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Công an thành phố Hà Nội kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Tiến Thành

Công tác quản lý chưa nghiêm

Tối 14-10 vừa qua, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại cơ sở kinh doanh gas kết hợp nơi ở tại số nhà 169 đường Phan Xích (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng). Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã kịp thời cứu thoát 5 người bị mắc kẹt... Theo Công an huyện Đan Phượng, cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động từ tháng 6-2018 nhưng vẫn lén lút hoạt động.

Trước đó, trưa 6-5-2020, kho xưởng của Công ty TNHH Song Ngân nằm trong Cụm công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) đã xảy ra cháy, nổ làm 3 người chết. Đáng nói, công ty này đã bị xử phạt và đình chỉ hoạt động từ tháng 10-2019 nhưng đến trước thời điểm xảy ra cháy, nổ vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp khác thuê mặt bằng hoạt động.

Hai vụ việc trên cho thấy, công tác quản lý các cơ sở bị đình chỉ do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự nghiêm và chặt chẽ. Về nguyên nhân, theo Chủ tịch UBND xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) Nguyễn Vỹ Hùng, một trong những nhiệm vụ của lực lượng Công an xã chính quy sau khi được phân cấp quản lý địa bàn là giám sát việc chấp hành các quyết định hành chính về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cấp có thẩm quyền đối với cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, với quân số còn mỏng, một cán bộ, chiến sĩ phải phụ trách nhiều cơ sở nên không quán xuyến hết được địa bàn.

“Một nguyên nhân chủ quan khác là do đặc thù công việc, lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã là cán bộ trực tiếp quản lý, hướng dẫn, đồng thời cũng là người kiểm tra cơ sở, dẫn đến tâm lý nể nang, chưa kiên quyết trong xử phạt vi phạm về phòng cháy, chữa cháy”, Thượng tá Phạm Xuân Quang, Phó Trưởng Công an huyện Gia Lâm nhận định.

Ngoài ra, Đại úy Nguyễn Danh Luân, cán bộ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) phân tích, một số cơ sở đã bị cơ quan chức năng đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành quyết định, vẫn cố tình hoạt động một phần là do trong các văn bản pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nội dung quy định về cưỡng chế đối với những trường hợp này còn thiếu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm

Tình trạng không thực hiện nghiêm các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ do đã vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy còn xuất hiện ở nhiều địa phương. Thượng tá Ngô Tiến Long, Phó Trưởng Công an huyện Mê Linh cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, qua công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, Công an huyện phát hiện 24 cơ sở tại Khu công nghiệp Quang Minh dù đã bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

“Để giải quyết tình trạng này, Công an huyện Mê Linh đã gửi thông báo, đề nghị Ban quản lý Khu công nghiệp Quang Minh phối hợp kiểm tra, giám sát việc thi hành các quyết định đình chỉ hoạt động của 24 cơ sở, đôn đốc cơ sở tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy để được phục hồi hoạt động theo quy định”, Thượng tá Ngô Tiến Long nói.

Tại quận Hoàng Mai, Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, quận đã ra quyết định tạm đình chỉ 32 trường hợp và đình chỉ 14 trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Quận cũng đã chỉ đạo lực lượng công an và UBND các phường tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở này. Đồng thời, quận sẽ xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra vi phạm, mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ sở…

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố đã yêu cầu Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng công an các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra liên ngành cấp thành phố, cấp quận, huyện, thị xã. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần chủ động kiểm tra thường xuyên, đột xuất để đánh giá việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ quản lý chặt chẽ hơn, chú trọng kiểm tra việc khắc phục sau xử lý vi phạm hành chínhvề phòng cháy, chữa cháy để phát hiện kịp thời các cơ sở không chấp hành, tái vi phạm, từ đó có biện pháp kiên quyết hơn.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/981827/giam-sat-chat-co-so-vi-pham-quy-dinh-phong-chay