Giám sát cán bộ chặt hơn

Trong vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La vừa khởi tố, có đến 17 bị can là cán bộ lãnh đạo sở và chuyên viên các cơ quan của tỉnh này.

Theo Công an tỉnh Sơn La, hành vi sai phạm của các đối tượng ở các khâu: đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước (thời điểm sai phạm tập trung từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2015).

Trước vụ án này không lâu, ngày 10-1, TAND tỉnh An Giang đã xét xử sơ thẩm 27 bị cáo trong vụ án mua bán khống hóa đơn thuế GTGT gây thiệt hại cho nhà nước hơn 35 tỉ đồng, trong đó 13 bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan, Cục Thuế tỉnh An Giang. Ngày 20-6-2016, TAND TP HCM xét xử vụ án buôn lậu, lừa đảo, đưa hối lộ xảy ra tại Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn và Chi cục Hải quan An Giang. Trong số 46 bị cáo có đến 31 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ hải quan.

Ngoài các vụ án này, trong các đại án kinh tế, tham nhũng, người ta thường thấy cảnh hàng chục vị nguyên là cán bộ nhà nước ra tòa vì những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng trong thời gian tại vị. Những vụ án này cho thấy sự tha hóa của một bộ phận cán bộ - công chức (CBCC) là một thực trạng đáng lo ngại. Phát biểu tại hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức sáng 15-11, TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng về thói nhũng nhiễu đến mức đáng sợ và đáng khinh của cán bộ đối với chủ doanh nghiệp. Ông nói nhiều chủ doanh nghiệp hiện nay rất sợ những cuộc điện thoại lúc 22 giờ. Nghe xong điện thoại là "cào cấu" được khoảng 20 triệu đồng đem đến nhà hàng theo đề xuất của quan chức. Nhưng có khi đến nơi thấy số tiền lên đến 100 triệu đồng, lại phải ghi vào sổ nợ của nhà hàng.

Với các cán bộ bị khởi tố trong các vụ án nói trên, dư luận cũng đặt câu hỏi: Lẽ nào cơ quan, tổ chức không biết? Cho dù không rõ lắm về các hành vi sai phạm thì cũng manh nha những dấu hiệu bất thường, tại sao không nhận ra mà vẫn luân chuyển, đề bạt lên chức vụ cao hơn, để rồi nay vỡ lở, cán bộ đó đối diện với hình phạt của pháp luật. Cũng không ít quan chức khác xây biệt phủ bề thế, trang viên tráng lệ, dinh thự nguy nga… mà vẫn bình an vô sự khi nói đó là tài sản của dòng họ, cơ quan quản lý cán bộ vẫn nghe rồi để đó mà thôi.

Nhưng những kẻ tham nhũng đừng nghĩ sóng yên gió lặng. Tại nghị trường Quốc hội vào chiều 18-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trải lòng rằng: "Đại biểu có hỏi tôi lo lắng nhất là gì? Đảng ta đã nhận định: Tụt hậu là một, diễn biến hòa bình là hai, tham nhũng là ba. Và gần đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng cái đáng lo nhất là suy thoái, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, xa dân, quan liêu". Nói những lời gan ruột trên, Thủ tướng cũng khẳng định không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng, không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng.

Do đó, bài học về giám sát cán bộ - công chức, ngăn chặn sai phạm từ đầu luôn phải nằm lòng để nhà nước không mất cán bộ, không mất tiền của, người dân không mất lòng tin và chờ đợi đưa thêm những kẻ tham nhũng vào lò.

NGUYỄN TRƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giam-sat-can-bo-chat-hon-2017112022502004.htm