Giám sát bữa ăn học đường: Phụ huynh 'lực bất tòng tâm'

Lâu nay bếp ăn trong trường học luôn là 'lãnh địa' riêng của nhà trường, phụ huynh rất khó có cơ hội tiếp cận. Trước những bức xúc về chất lượng bữa ăn học đường hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng việc để phụ huynh giám sát bữa ăn của con em mình cần được đưa thành quy định và thực hiện ngay trên thực tế.

Bữa ăn trưa ở trường của học sinh hoàn toàn do phụ huynh đóng góp, tuy nhiên, nhiều phụ huynh không thể tiếp cận bữa ăn trưa của con tại trường Ảnh: ST

Bữa ăn trưa ở trường của học sinh hoàn toàn do phụ huynh đóng góp, tuy nhiên, nhiều phụ huynh không thể tiếp cận bữa ăn trưa của con tại trường Ảnh: ST

Khó!

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay có 3 phương thức cung cấp bữa ăn cho học sinh, cụ thể: Trường nhập thực phẩm từ công ty thực phẩm sạch do phòng GD&ĐT chỉ đạo; trường phối hợp với doanh nghiệp vào trường nấu; ký hợp đồng mua suất ăn ở bên ngoài đưa vào trường. Bữa ăn trưa ở trường của học sinh hoàn toàn do phụ huynh đóng góp, tuy nhiên, nhiều phụ huynh không thể tiếp cận bữa ăn trưa của con tại trường. Nhiều phụ huynh lo lắng, bức xúc muốn được xem bữa ăn của con mình như thế nào đã phải giả vờ đón con đột xuất vào buổi trưa, hoặc khi có việc vào trường “giả vờ” vô tình đi ngang qua bếp ăn.

Trên địa bàn TP Hà Nội, cũng đã có những vụ việc nhà trường cho trẻ ăn thức ăn kém chất lượng, trẻ sau khi ăn cơm bán trú ở trường có dấu hiệu nôn mửa, tiêu chảy. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào kiểm tra nhà trường vẫn đưa ra được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc thực phẩm đúng... quy định. Qua những lần đó, dù còn nghi ngờ nhưng phụ huynh không biết làm thế nào để biết tường tận chất lượng các bữa ăn. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Đống Đa- Hà Nội) có con đang học một trường mầm non tại quận Đống Đa chia sẻ: Hầu như năm nào cũng có thông tin học sinh trường này, trường kia ngộ độc thực phẩm, hay nhà trường tuồn thức phẩm kém chất lượng vào trường học. Nhưng nhiều trường lại không công khai nguồn thực phẩm, chất lượng thực phẩm nên phụ huynh rất khó kiểm soát bữa ăn trưa của các con.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người:
Việc tham gia giám sát của xã hội, đặc biệt là phụ huynh vào ban giám sát bữa ăn trường học là vô cùng quan trọng và hiệu quả. Bởi khi phụ huynh quan tâm và được cùng tham gia kiểm soát chất lượng bữa ăn ở trường học hàng ngày thì sẽ hạn chế được tình trạng bếp ăn nhà trường vi phạm các điều kiện vệ sinh khi chế biến, lưu mẫu thức ăn và kiểm soát tốt hơn nguồn gốc thực phẩm phục vụ bữa ăn của con em mình.

Bên cạnh đó, để trực tiếp vào giám sát hay kiểm tra thức ăn trong bếp ăn nhà trường thì phụ huynh hầu như không được phép. Một phụ huynh cho phóng viên biết, nếu tự mình đề nghị đến giám sát thì e ngại nhà trường sẽ có phản ứng không tốt với con mình, còn đề xuất qua hội phụ huynh thì không thấy ai phản hồi.

Do việc tiếp cận bữa ăn ở trường gặp nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh cho rằng dùng đồng hồ định vị có chức năng chụp ảnh để giám sát bữa ăn hàng ngày của các con. Theo đó, mỗi bữa ăn học sinh sẽ dùng chiếc đồng hồ định vị để chụp lại bữa ăn trưa ở trường. Chị Đinh Thị Tuyết Mai (Long Biên – Hà Nội) đã trang bị cho con trai một chiếc đồng hồ định vị có chức năng chụp ảnh với mong muốn hàng ngày có thể kiểm soát được con ăn những món gì ở trường. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng. Chị Mai chia sẻ: “Những hình ảnh chụp lên cũng chỉ được bữa ăn con ăn những món gì, với số lượng nhiều hay ít. Còn về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm như thế nào cũng không thể biết được”.

Phụ huynh giám sát sẽ rất hiệu quả

Thực tế, những vụ việc phụ huynh phát hiện trường tuồn thực phẩm kém chất lượng vào trường đều do ngẫu nhiên, hoặc có việc vào trường vô tình đi vào bếp ăn. Đơn cử, vụ việc tại trương Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) được phát hiện do một phụ huynh đưa con tới trường thì có vào nhà bếp để xem các cháu ăn gì. Khi vào bếp thì phụ huynh này phát hiện ra rổ thịt gà đã được làm chín nhưng khi đặt tay vào thấy miếng thịt vụn nát. Do vậy, phụ huynh này đã cùng với nhiều phụ huynh khác yêu cầu hiệu trưởng xuống bếp kiểm tra để làm rõ. Cũng từ đây, phụ huynh đã phát hiện ra nhiều loại thực phẩm khác trong nhà bếp đã bốc mùi. Nếu như phụ huynh không vô tình đi vào nhà bếp thì không biết thực phẩm ôi thiu sẽ được đưa vào trường Mầm non Thanh Khương tới khi nào.

Lo ngại về chất lượng bữa ăn bán trú, nhiều phụ huynh đều mong muốn có sự kiểm tra hai chiều giữa phụ huynh và nhà trường. Phụ huynh có quyền kiểm tra đột xuất bếp ăn của nhà trường, nhà trường cũng phải công khai đơn vị cung cấp thực phẩm, đơn vị nấu ăn cho học sinh… Như vậy, phụ huynh mới có thể yên tâm chất lượng bữa ăn ở trường của các con.

Vấn đề này đòi hỏi, ngành Giáo dục và Y tế cần tạo cơ chế để phụ huynh, ban phụ huynh của các lớp có thể tham gia giám sát bếp ăn của trường.

Trả lời về vướng mắc của phụ huynh trong việc giám sát bữa ăn bán trú của học sinh trường, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, ban đại diện cha mẹ học sinh nằm trong bộ phận giám sát bữa ăn học đường, giám sát việc giao nhận thực phẩm, hoặc các suất ăn chế biến sẵn. Mỗi nhà trường sẽ lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm phù hợp với quy định chung về an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu của từng trường trên cơ sở được sự nhất trí của ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, phụ huynh đang gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát bữa ăn ở trường. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng như ngành Giáo dục cần có cơ chế cụ thể về việc giám sát này.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/giam-sat-bua-an-hoc-duong-phu-huynh-luc-bat-tong-tam-101548-101548.html