Giảm rủi ro thiên tai - bắt đầu từ cộng đồng

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động nhanh, mạnh đến nước ta, khiến thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động tham gia của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai, trong đó chú trọng công tác phòng ngừa chính là biện pháp tốt nhất để giảm nhẹ mức độ thiệt hại.

Kiểm tra, cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở bờ sông Đáy, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Kim Thoa

Thiệt hại vì… chủ quan

Cho đến giờ, ông Trần Minh Hùng, người dân xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) vẫn chưa thể quên lần chết hụt khi đi qua đập tràn hồ Quan Sơn trong mùa mưa lũ 2017. “Với tổng trọng lượng cả xe và người nặng hơn 150kg, tôi nghĩ dòng nước khó cuốn mình đi nên bỏ qua cảnh báo, phóng xe vượt qua tràn. Đến giữa tràn thì xe đâm phải tảng đá và bị dòng nước cuốn xuống sông Mỹ Hà. Nhờ có lực lượng tuần tra của xã đến kịp, nên tôi mới thoát chết…”, ông Trần Minh Hùng nhớ lại.

Cho rằng hiếm khi xảy ra mưa lớn dịp cuối năm, nên gia đình ông Nguyễn Văn Soạn ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) đã vay ngân hàng đầu tư gần 500 triệu đồng nuôi cá. Tuy nhiên, cuối năm 2018 xảy ra lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, cuốn trôi một đoạn bờ bao mang theo toàn bộ số cá ra sông Bùi. “Biến đổi khí hậu đã phá vỡ mọi quy luật thời tiết. Người dân không thể dựa vào kinh nghiệm mà đoán định thiên tai”, ông Nguyễn Văn Soạn rút ra bài học thấm thía.

Liên quan vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho rằng, trong khi các cấp, các ngành nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư kiên cố cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai thì một số người dân lại chủ quan, bất chấp cảnh báo… Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng thông tin thêm: "Một số xã trên địa bàn huyện chưa thật sự chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn để người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, một số xã chưa xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế của địa phương, còn thiếu các giải pháp cụ thể, chưa xây dựng phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro, hoặc xây dựng mang tính hình thức...".

Nói về công tác phòng, chống thiên tai trong năm vừa qua, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho rằng, điểm hạn chế phổ biến mà các địa phương chưa khắc phục được, đó là chủ quan trong xây dựng phương án phòng ngừa. Một số địa phương nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sự cố sạt lở đất, lũ rừng ngang… nhưng xây dựng phương án lại chung chung, thiếu kế hoạch chi tiết. Chưa phát huy vai trò, sức mạnh của người dân trong xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai nguy hiểm...

Chú trọng hơn công tác phòng ngừa

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, những hạn chế nêu trên không riêng của Hà Nội mà còn là tình trạng chung tại nhiều tỉnh, thành phố. Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, các địa phương cần quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, khắc phục triệt để điểm yếu "công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức của người dân, năng lực cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức", như Chỉ thị số 42-CT/TƯ đã chỉ rõ.

Khẳng định sẽ quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 42-CT/TƯ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: "Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão phối hợp với các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó một số loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra theo từng vùng. Đối với khu vực Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức... thường xuyên xảy ra ngập úng, sạt lở đất, cần hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu thiên tai, tăng cường kỹ năng bơi lội, phòng tránh các tai nạn về điện... Đối với khu vực Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh..., cần hướng dẫn người dân kỹ năng hộ đê".

Là địa bàn trọng điểm trong công tác phòng, chống lũ lụt của thành phố, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến thông tin: "Rút kinh nghiệm từ những mùa mưa bão trước, các xã, thị trấn trên địa bàn đã tăng cường kiểm tra, xác định các khu vực trọng yếu có thể bị ảnh hưởng bởi bão lũ; chỉ rõ những nơi có nguy cơ sạt lở đất; khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy; cắm biển báo nguy hiểm; bố trí dân quân ứng trực cảnh báo, để người dân có ý thức chủ động phòng tránh...".

Còn theo ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ), xã đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai là của toàn dân; mọi người, mọi nhà đều phải vào cuộc. Ngoài ra, xã đã quy hoạch khu lấy đất dự phòng, hợp đồng mua tre với từng hộ để sẵn sàng ứng phó các sự cố đê điều…

Về phía người dân, bà Phạm Thị Liên, ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) cho biết: Chúng tôi biết sự nguy hiểm của thiên tai nên rất ủng hộ chính quyền, chấp hành và tự nguyện tham gia công tác ứng phó. “Tôi mong chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để kiên cố nhà cửa khi mùa mưa bão đến gần; hướng dẫn người dân cách sơ, cấp cứu khi xảy ra các sự cố, thiên tai...”, bà Liên kiến nghị.

Thiên tai tác động trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân. Trước mắt, mùa mưa bão đang tới gần và để giảm thiểu thiệt hại, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thì ý thức phòng ngừa của người dân đóng vai trò quan trọng...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/963508/giam-rui-ro-thien-tai---bat-dau-tu-cong-dong