Giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài

Trong gần 30 năm qua, khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã khá hoàn thiện, góp phần giúp các DN thuận lợi 'mang chuông đi đánh xứ người', nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập. Tuy nhiên, do một số DN không am hiểu chính sách pháp luật của nước sở tại, các công ước quốc tế, phong tục, tập quán, văn hóa của người dân bản địa, cho nên đã gặp không ít rủi ro trong quá trình ĐTRNN.

Trong gần 30 năm qua, khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã khá hoàn thiện, góp phần giúp các DN thuận lợi “mang chuông đi đánh xứ người”, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập. Tuy nhiên, do một số DN không am hiểu chính sách pháp luật của nước sở tại, các công ước quốc tế, phong tục, tập quán, văn hóa của người dân bản địa, cho nên đã gặp không ít rủi ro trong quá trình ĐTRNN.

Nhiều khó khăn, khác biệt

Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), năm 2018, DN Việt Nam đã đầu tư sang 35 quốc gia và vùng lãnh thổ với 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn hơn 376 triệu USD cùng 35 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn tăng thêm 56 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt hơn 432 triệu USD. Tính lũy kế từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã ÐTRNN hơn 22 tỷ USD với các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng và viễn thông. Trong đó, tập trung tại các nước như Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma với vốn đầu tư chiếm gần 40% tổng vốn ÐTRNN của DN Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư thì việc ÐTRNN, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rủi ro càng trở nên rõ rệt hơn khi phần lớn những dự án đầu tư nông nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài tập trung vào các quốc gia có hệ thống đăng ký và quản lý đất đai chưa hoàn thiện, tập quán lao động của người dân chưa được định hình. Những khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, qua đó ảnh hưởng việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.

Chia sẻ về những khó khăn mà các DN Việt Nam gặp phải khi đầu tư tại tiểu vùng sông Mê Công, chuyên gia của tổ chức Oxfam Phạm Quang Tú cho biết, khi các DN triển khai dự án, đất đã được thu hồi giao cho DN Việt Nam nhưng người dân lại đến đòi đất, nhất là tại các vùng đất rừng cộng đồng. Hầu hết các dự án của DN Việt Nam đều gặp vấn đề này. Ngoài ra, đã có không ít vụ kiện về vấn đề môi trường do các dự án làm ảnh hưởng nguồn nước và đời sống người dân. Bởi dù làm các dự án nông nghiệp nhưng lại trồng cây theo phương pháp công nghiệp, phải sử dụng phân bón, chất hóa học, thuốc trừ sâu.

Chỉ ra nguy cơ rủi ro đến từ các nguồn khác, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao-su Ðác Lắc Nguyễn Thị Hải cho biết, trong thời gian mới đầu tư vào thị trường Lào, DN phải nỗ lực tiếp cận và nhận thức đúng về các quy định pháp luật quốc tế, bởi có những việc luật pháp nước sở tại không quy định, nhưng lại được công nhận trong công ước quốc tế. Bên cạnh đó, thách thức cũng phát sinh từ rào cản về văn hóa và tập tục của người dân bản địa, trong khi việc tìm kiếm một đơn vị tư vấn, đồng hành phù hợp không dễ dàng. Ðó là chưa kể nước bạn không có cảng biển, kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin chưa ổn định.

Doanh nghiệp cần chủ động

Nói về nguyên nhân gặp phải rủi ro trong hoạt động ÐTRNN của các DN Việt Nam, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Ðậu Anh Tuấn cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật nước sở tại chưa đầy đủ, các DN Việt Nam còn gặp rủi ro do chưa thực hiện hết, chưa quan tâm đúng mức trách nhiệm, nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, thiếu tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Vì thế, theo ông Tuấn, khi ÐTRNN, các DN không chỉ cần nguồn lực, kinh nghiệm mà phải có sự hiểu biết nhất định về pháp luật. DN phải nghiên cứu bài bản các vấn đề, pháp luật, xã hội của nước sở tại. Bản thân các DN khi ÐTRNN cần chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi về chính sách đầu tư của các nước, có thái độ hợp tác với nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Ðồng thời, để có thị phần lớn hơn trong "sân chơi" quốc tế, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, DN cần chủ động nhận diện rõ rủi ro mà mình sẽ phải đối mặt, qua đó có phương án phòng ngừa cụ thể.

Cũng theo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu, nhiều DN Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát, rất dễ xảy ra tranh chấp. Khi đó, việc xử lý rất khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Về quản lý nhà nước, hiện chưa có cơ quan có đủ thẩm quyền, điều kiện và năng lực triển khai quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của tất cả các DN Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài.

Ðể ÐTRNN phát huy hiệu quả hơn, hạn chế rủi ro, trước tiên các DN cần tích cực cải thiện khả năng cạnh tranh bằng đầu tư trung hạn và dài hạn, tìm hiểu sâu về chính sách đầu tư và những thay đổi chính sách của nước nhận đầu tư, cũng như tăng cường mối liên kết giữa các DN. Cần tuân thủ pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các chính sách, pháp luật có liên quan khác. Chính phủ nên có chính sách thiết thực và hấp dẫn hơn để thúc đẩy các DN tăng cường ÐTRNN cũng như tăng cường giám sát chất lượng dòng vốn ÐTRNN để tránh gây tác động tiêu cực. Cần có những công cụ hướng dẫn DN giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro trong quá trình ÐTRNN. Kịp thời nắm bắt, xử lý hiệu quả các vướng mắc, khó khăn cũng như các nhu cầu cần được hỗ trợ của DN hoạt động ÐTRNN.

Minh Khôi

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39475102-giam-rui-ro-cho-doanh-nghiep-khi-dau-tu-ra-nuoc-ngoai.html