Giảm phí sử dụng đường bộ cho ô tô kinh doanh vận tải

Bộ Tài chính vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô của doanh nghiệp (DN), HTX kinh doanh vận tải. Theo đó, ô tô của DN có thể được giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ đến hết năm 2020 tùy từng loại phương tiện.

Từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19 đến nay, ngành vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Lượng khách đến Bến xe Đồng Nai (TP.Biên Hòa) giảm nhiều. Ảnh: T.Hải

Từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19 đến nay, ngành vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Lượng khách đến Bến xe Đồng Nai (TP.Biên Hòa) giảm nhiều. Ảnh: T.Hải

Kể từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19 đến nay, hoạt động kinh doanh của các DN vận tải luôn đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì nhiều DN đang chờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; trong đó, có chính sách giảm phí sử dụng đường bộ cho ô tô kinh doanh vận tải.

* DN chờ giảm phí

Ông Lại Xuân Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận chuyển và du lịch Hà Vân (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty có gần 30 đầu xe bao gồm cả chở hàng và khách du lịch. Sau khi thực hiện nhiều giải pháp, điều chỉnh phương thức kinh doanh, đến thời điểm hiện tại, số xe tải chở hàng hoạt động khoảng 60%, còn xe chở khách du lịch chỉ đạt 10-20%. So với những năm trước, thiệt hại của công ty rất lớn.

Theo ông Hà, dịch Covid-19 dù được khống chế ở Việt Nam, nhưng trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên thời gian tới hoạt động kinh doanh của công ty sẽ còn khó khăn. Mới đây, công ty được một DN thông báo tạm dừng hợp đồng vận chuyển hàng cho đến hết tháng 9-2020. Nguyên nhân do DN này thu hẹp sản xuất vì hàng hóa không xuất khẩu được.

“Số phương tiện không hoạt động của công ty hiện rất nhiều, ngoài chi phí sân bãi, thuế, lãi suất thì phí sử dụng đường bộ cũng không hề nhỏ. Chỉ riêng khoản này, mỗi tháng công ty phải đóng gần 90 triệu đồng. Trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay thì việc miễn giảm phí sử dụng đường bộ là hết sức cần thiết” - ông Hà nói.

Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 20 DN, HTX tham gia hoạt động vận tải hành khách xe buýt. Từ khi xe buýt được hoạt động trở lại, tính đến nay số chuyến xe buýt là 1.553 chuyến/ngày với lượng khách đạt gần 30.500 lượt người. So với trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, số lượng chuyến đạt khoảng 70-80%, lượng khách sụt giảm mạnh khoảng 60%.

Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đỗ Thị Hải Phương cho biết thêm, lượng vận chuyển hành khách giảm dẫn đến doanh thu, hiệu quả hoạt động của các tuyến xe buýt thấp. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian gần đây, nhiều xí nghiệp, công ty ngưng hoạt động khiến lượng công nhân đi lại bằng xe buýt giảm hẳn.

Việc giảm phí sử dụng đường bộ, lãi suất hay chi phí bến bãi sẽ giúp nhiều DN, HTX vận tải kinh doanh bằng xe buýt bớt phần nào gánh nặng. Những biện pháp này góp phần hỗ trợ DN vận tải sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì việc làm cho người lao động.

* Chia sẻ khó khăn với DN

Theo dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô của DN, HTX kinh doanh vận tải của Bộ Tài chính, xe ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng nộp phí bằng 70% mức thu quy định trước đây. Xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo phục vụ vận tải hàng hóa nộp phí bằng 90% mức thu phí hiện hành.

Ngoài ra, trường hợp phương tiện đã nộp phí theo quy định cũ sẽ được bù trừ số tiền chênh lệch giữa mức phí mới và mức phí cũ. Đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm tính bù trừ tiền cho chủ phương tiện vào chu kỳ tiếp theo. Dự kiến, dự thảo thông tư này có thể được áp dụng trong tháng 7-2020.

Trước đó, vào cuối tháng 5 vừa qua, Bộ GT-VT đã đề xuất Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận giảm phí bảo trì đường bộ thu theo đầu xe ô tô trong 4 tháng với xe kinh doanh vận tải hành khách và 3 tháng cho xe chở hàng hóa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bộ GT-VT cho biết, từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19, ngành vận tải (bao gồm vận tải hành khách và vận tải hàng hóa) bị ảnh hưởng trực tiếp, doanh thu giảm sâu đến 75% so với cùng kỳ năm 2019. Sau thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, dù mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều trở lại bình thường nhưng nhiều DN kinh doanh vận tải vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, số lượng phương tiện hoạt động giảm từ 30-40% so với trước khi xảy ra dịch.

Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho hay, quy định giảm phí sử dụng đường bộ nếu được áp dụng phần nào giảm bớt được những khó khăn, giảm được phí cho các DN và cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với khó khăn của DN, tạo điều kiện, động viên các DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Sở GT-VT đã giao cho Phòng Quản lý vận tải và phương tiện theo dõi các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành liên quan để đến khi dự thảo thông tư được áp dụng sẽ triển khai đồng loạt đến các DN, HTX kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thực hiện. Trước đó, Sở cũng đã đề nghị Sở Tài chính, các ngân hàng, bến xe… triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực vận tải đường bộ bằng xe ô tô như: giãn nợ, gia hạn nợ và miễn, giảm lãi suất đầu tư phương tiện; miễn, giảm thuế cho các đơn vị vận tải trong suốt năm 2020.

Theo thống kê của Sở GT-VT, tổng số DN, HTX vận tải tham gia hoạt động vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh là 424 đơn vị với gần 40 ngàn phương tiện hoạt động; vận tải hành khách là 88 đơn vị với tổng số phương tiện gần 8,3 ngàn (bao gồm vận chuyển tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh, xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng du lịch, xe đưa đón học sinh, công nhân…).

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202007/giam-phi-su-dung-duong-bo-cho-o-to-kinh-doanh-van-tai-3011656/