Giảm ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra cho môi trường đất, nước, nhất là đối với sức khỏe người dân. Ðể từng bước khắc phục, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thì cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân nâng cao ý thức về quản lý chất thải nhựa và túi ni-lông tại cộng đồng.

Xử lý rác thải nhựa sau khi thu gom trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: ANH SƠN

Xử lý rác thải nhựa sau khi thu gom trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: ANH SƠN

Cuộc cách mạng hóa học từ giữa thế kỷ 20 đã mang tới cho nhân loại nhiều sản phẩm mới có giá trị, trong đó có loại vật liệu nhựa từ sản phẩm của dầu mỏ với rất nhiều ưu việt như nhẹ, bền trong môi trường, dễ chế tạo thành các loại hàng hóa, chủng loại khác nhau phục vụ nhu cầu cuộc sống của con người và giá thành thấp so với các vật liệu khác... Nhựa đã nhanh chóng đi vào đời sống con người trên mọi lĩnh vực như: làm nguyên liệu để chế tạo các máy móc, thiết bị, bao bì các loại, quần áo, dụng cụ gia đình... Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức và việc thu gom, tái chế, tái sử dụng không phù hợp sẽ xuất hiện chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, mà giới khoa học thường gọi là "ô nhiễm trắng". Theo GS, TS Ðặng Thị Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), mặc dù nhựa được sử dụng nhiều, nhưng hiện nay phần lớn các sản phẩm nhựa đều là nhựa dùng một lần, sau đó thải bỏ. Vì vậy, số lượng rác thải nhựa sẽ tăng lên không ngừng. Ðáng chú ý, trên thế giới, hiện mới chỉ có khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế, hoặc tái sử dụng trong khi chất thải giấy là 60% và chất thải thép là 90%. Ðây là một thách thức lớn, bởi phải mất một thời gian dài, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy được. Do thời gian phân hủy quá chậm, cho nên rác thải nhựa có thể gây tác động xấu đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng và là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước và các đại dương.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ khoảng từ 30 đến 40 kg nhựa/năm và là một trong bốn quốc gia tại châu Á (sau Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), bình quân mỗi ngày TP Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni-lông chiếm từ 7% đến 8%. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông/ngày. Nếu khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni-lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi ni-lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Ðây được coi là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng". Theo Thứ trưởng Bộ TN và MT Võ Tuấn Nhân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) chưa thống nhất, đồng bộ; các bộ, ngành và địa phương cùng tham gia quản lý. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý CTRSH còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ thu gom CTRSH, trong đó có chất thải nhựa và túi ni-lông chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra. Tại khu vực nội thành của các đô thị, tỷ lệ thu gom bình quân đạt khoảng 85%, lượng CTRSH nông thôn thu gom đạt khoảng 55% so với lượng CTRSH phát sinh. Nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, thói quen sử dụng túi ni-lông còn phổ biến.

Để từng bước giảm ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi ni-lông gây ra, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa và túi ni-lông; phân định và làm rõ trách nhiệm của các bộ, các cơ quan của địa phương trong quản lý CTRSH; rà soát, quy định rõ trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và của cộng đồng dân cư. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải nhựa và túi ni-lông; giảm dần sử dụng túi ni-lông trong sinh hoạt; tăng cường sử dụng túi ni-lông thân thiện với môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động, chiến dịch tình nguyện thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nhựa…

Ngoài ra, Bộ TN và MT cần phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni-lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học. Áp dụng các công nghệ hay kỹ thuật mới để có thể sử dụng lại chất thải nhựa hay một phần của sản phẩm đã qua sử dụng để sử dụng cho mục đích khác. Ðồng thời, giám sát chặt chẽ và hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa; thúc đẩy sản xuất túi ni-lông được công nhận thân thiện với môi trường.

HUY SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39443202-giam-o-nhiem-moi-truong-do-chat-thai-nhua.html