Giảm nợ đọng bảo hiểm - bài toán khó

Nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) luôn là vấn đề 'nóng' tại các cuộc họp hàng tháng của BHXH TP Hà Nội.

Hàng loạt các biện pháp đề ra với mục tiêu giảm nợ và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Song, để giải quyết tận gốc lại là một bài toán khó.

Doanh nghiệp cố tình chây ì
Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, mặc dù đã nỗ lực bằng nhiều cách nhưng đến hết tháng 10/2017, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của Hà Nội vẫn nằm trong “top” đầu của cả nước với gần 3.000 tỷ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của 681.180 người lao động (NLĐ). Với số tiền nợ như này sẽ khó thực hiện chỉ tiêu thu nợ BHXH ở con số 4,04% trong năm 2017. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, nguyên nhân do công tác khởi kiện các DN nợ BHXH ra tòa án hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đa số các DN chây ì, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, đóng không đủ số người đang làm việc tại DN. Nhận thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động, NLĐ về chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế. Mặt khác, công tác chỉ đạo BHXH, BHYT ở một số nơi còn chưa sâu sát, quyết liệt, nhất là trong việc giám sát và đôn đốc thu nợ.

Giải quyết hồ sơ tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc BHXH huyện Thường Tín Nguyễn Văn Giới cho biết, dù cơ quan BHXH huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn không có chuyển biến tích cực bởi nhiều khó khăn. Hầu hết các DN chỉ còn nhân viên bảo vệ hoặc chỉ có duy nhất một lao động tại đó, số DN đã qua thanh, kiểm tra không thực hiện kết luận, không nộp tiền nợ nhưng chưa bị xử phạt hành chính, nhiều DN không chịu ký vào biên bản đối chiếu thu nợ. Trưởng phòng Khai thác và thu nợ, BHXH Hà Nội Nguyễn Dương chia sẻ, nhiều trường hợp DN nợ đọng BHXH số tiền lớn nhưng khi cán bộ bảo hiểm đến làm việc thì chủ DN cố tình tránh mặt mà ủy quyền cho đối tượng “không có quyền hạn” trong DN đứng ra làm việc. Thậm chí, nhiều DN cán bộ đôn đốc thu nợ phải đến tới lần thứ tư mới làm việc được với chủ DN.
Tại quận Hà Đông, Phó Giám đốc BHXH quận Hà Đông Hoàng Đức Hiếu cho hay, bên cạnh những DN “chết lâm sàng” khó có khả năng trả nợ BHXH thì cũng không ít DN đang làm ăn phát đạt vẫn cố tình chây ì nợ BHXH, BHYT của NLĐ. Như trường hợp Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (Số 28A, TT10, Văn Quán, Hà Đông), dù công ty trúng thầu hạng mục vệ sinh môi trường của 7 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội với gần 3.000 NLĐ nhưng vẫn cố tình nợ BHXH tới 11 tỷ đồng. “Mặc dù chúng tôi đã mời đại diện DN lên UBND quận để làm việc giữa 3 bên nhưng đến thời điểm này DN vẫn chỉ cam kết sẽ trả các khoản nợ BHXH chứ chưa thực hiện thanh toán nợ” – ông Hoàng Đức Hiếu cho biết.
Gỡ khó cho người lao động
Trong khi việc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các DN còn gặp nhiều khó khăn, BHXH Việt Nam đã “mở đường” cho NLĐ và DN bằng cách “đóng tới đâu, chốt sổ tới đó” cho NLĐ để đảm bảo quyền lợi. Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam Vũ Mạnh Chữ cho biết, Chính phủ đã quy định việc giải quyết quyền lợi của NLĐ đối với những đơn vị nợ tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp giải quyết chính sách BHXH, chấm dứt hợp đồng lao động tại đơn vị nợ, cho phép NLĐ và đơn vị sử dụng lao động đóng riêng cho những trường hợp dừng đóng để giải quyết quyền lợi cũng như di chuyển địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp một số vướng mắc, do đó, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định 595/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định việc xác nhận sổ BHXH trên nguyên tắc NLĐ đóng tới thời điểm nào, xác nhận sổ tới thời điểm đó và NLĐ cầm sổ đó để tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng. Sau khi DN đóng khoản tiền nợ thì sẽ xác nhận bổ sung vào sổ BHXH.
Ông Vũ Mạnh Chữ lưu ý, khi NLĐ dừng đóng BHXH tại một đơn vị và muốn chốt sổ tại đơn vị đó, thì chỉ cần kê khai trên mẫu D02 của cơ quan BHXH, sau đó gửi cho đơn vị kê khai, rồi chuyển cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH trên cơ sở đó sẽ xác nhận sổ cho NLĐ. Hiện, BHXH Việt Nam đang hoàn thiện các phần mềm quản lý và triển khai quyết định này tới tất cả các quận, huyện trên toàn quốc.
Về phía Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, cơ quan bảo hiểm sẽ tạo mọi điều kiện cho NLĐ và DN khi có nhu cầu chốt sổ. Đồng thời, trong thời gian tới, BHXH TP sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thuế, công an, Liên đoàn Lao động, Sở LĐTB&XH để tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra DN có số nợ BHXH dưới 12 tháng.

Trốn đóng bảo hiểm có thể bị phạt tù

Xung quanh vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa.

Thưa ông, trước tình trạng các DN cố tình chây ì nợ BHXH, BHYT, BHTN, TP Hà Nội đã có những biện pháp gì để khắc phục?
- Thời gian qua, BHXH TP đã tích cực triển khai Quy chế phối hợp 5 ngành giữa Công an, Sở LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Cục Thuế về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020. Qua đó, chúng tôi đã phối hợp tổ chức 93 cuộc đối thoại, tư vấn tới các DN, đơn vị sử dụng lao động, cán bộ công đoàn, công nhân viên chức, lao động và người sử dụng lao động, với số người dự hội nghị là 19.568 người. Chúng tôi thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu các đơn vị sử dụng lao động, kể cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài có nợ đọng BHXH, những thông tin về đóng, quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN theo yêu cầu của cơ quan công an và kết quả về công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Qua các đợt kiểm tra liên ngành của TP từ 1/9 - 15/10 đã thu hồi được hơn 8,6 tỷ đồng tiền nợ BHXH của 29 DN có số nợ kéo dài nhiều tháng. Cùng với các biện pháp quyết liệt trong đôn đốc thu nợ, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn TP trong 10 tháng năm 2017 đã giảm 8,03% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương 259 tỷ đồng. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thu nợ, giảm nợ BHXH, BHYT cũng là một trong những nhiệm vụ chính của BHXH TP Hà Nội trong 2 tháng cuối năm.
Được biết, từ 1/1/2018, chủ DN trốn đóng BHXH sẽ bị phạt tù, vậy điều này có tác dụng gì với việc giảm nợ bảo hiểm như hiện nay?
- Theo Luật BHXH sửa đổi gồm 9 chương, 125 điều có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và một số điều chỉnh theo Luật Hình sự bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2018 về trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, chủ DN sẽ chịu mức phạt tù có thể lên tới 7 năm và tiền phạt có thể lên tới 1 tỷ đồng. Việc hình sự hóa hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ với khung hình phạt tăng nặng sẽ ngăn ngừa hành vi trục lợi, nhất là đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng và giải quyết chế độ, chính sách BHXH kịp thời cho NLĐ. Tuy nhiên, chính từ phía NLĐ cũng phải chủ động tìm hiểu và nắm bắt tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN của DN với cá nhân mình để kịp thời có những biện pháp xử lý khi DN có dấu hiệu chây ì trốn đóng bảo hiểm.
Xin cảm ơn ông!

Hà Ngân ghi

Trần Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giam-no-dong-bao-hiem-bai-toan-kho-303594.html