Giảm nguy cơ mất an toàn lao động cho giới trẻ

Lao động trẻ từ 15 đến 24 tuổi có tỷ lệ tai nạn lao động cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn. Để bảo đảm an toàn lao động cho nhóm đối tượng này, cần một sự nỗ lực từ nhiều phía.

Ảnh minh họa: ILO tại Việt Nam.

Đây là thông tin từ Diễn đàn đối thoại “Vì một thế hệ lao động an toàn và khỏe mạnh: Cải thiện An toàn, vệ sinh lao động trẻ”, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức, hướng tới Ngày thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc 28-4.

Lao động trẻ đối diện nguy cơ mất an toàn lao động

Tại Diễn đàn này, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đưa ra một con số đáng suy ngẫm. Trong năm 2017, cả nước đã xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến làm 9.173 người bị nạn. Và cụ thể, có 898 vụ TNLĐ chết người, làm 928 người tử vong.

Đánh giá về tình trạng trên, một lãnh đạo của Cục An toàn lao động nhận xét, bức tranh về TNLĐ chưa thực sự đầy đủ, do thống kê chưa thể thu thập hết các trường hợp TNLĐ trong khu vực lao động phi chính thức, cũng như chưa phân tách được độ tuổi xảy ra TNLĐ. Gần 9.000 vụ TNLĐ mỗi năm chỉ chiếm khoảng 10% doanh nghiệp báo cáo về TNLĐ. Con số gần 800 ca tử vong do TNLĐ chưa bao phủ đủ dữ liệu từ lao động trong khu vực phi kết cấu.

Chuyên gia này cũng cho hay, qua phân tích, đánh giá, nhất là với các vụ TNLĐ có nhiều nạn nhân, dễ thấy tình trạng nhiều lao động trẻ mắc phải chấn thương nghề nghiệp nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân quan trọng là họ thiếu được huấn luyện, đào tạo. Đặc biệt, lao động trẻ có thái độ làm việc, tác phong công nghiệp hạn chế, dẫn đến tình trạng chủ quan, làm ẩu làm bừa. Không phủ nhận các bạn trẻ rất nhanh nhạy, thông minh, khéo léo, nhưng những hạn chế trong thái độ làm việc dễ dẫn đến những trường hợp TNLĐ thương tâm.

Bà Miranda Kwong, Quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, cho biết, hiện nay, trên thế giới có khoảng 541 triệu lao động trẻ ở độ tuổi 15 đến 24, chiếm hơn 15% tổng lực lượng lao động toàn cầu. Lao động trẻ có tỷ lệ TNLĐ cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn.

ILO tại Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu của về thực trạng kiến thức, thái độ và hành vi về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của lao động trẻ trong ngành nông nghiệp, các làng nghề ở ba địa phương Phú Thọ, Hưng Yên, TP Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, phần lớn người được khảo sát là lao động làm trong khu vực phi chính thức. Đây cũng là nhóm không được huấn luyện ATVSLĐ. Trong khi đó, phần lớn lao động nhóm này thường làm việc 40 giờ tuần, đối diện với nhiều rủi ro. Nhóm đối tượng này cũng có xu hướng tuân thủ các quy định an toàn thấp hơn, như không thực hiện các bước bảo đảm an toàn, không quan tâm tới các quy trình an toàn trong lao động.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, đánh giá, nhiều yếu tố có thể làm tăng tính dễ tổn thương trong lao động đối với thanh - thiếu niên. Cụ thể, họ đang ở trong giai đoạn phát triển thể chất và tâm lý, thiếu kinh nghiệm làm việc và thiếu đào tạo, huấn luyện, nhận thức hạn chế về các mối nguy hiểm liên quan đến công việc và thiếu khả năng thương lượng. Điều đó có thể dẫn đến lao động trẻ chấp nhận những nhiệm vụ nguy hiểm, hoặc những công việc có điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, trong nông nghiệp, lao động trẻ và người sử dụng lao động trẻ vẫn chưa hiểu biết về các bước cần thực hiện để giảm bớt rủi ro trước tác hại lâu dài của thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật và các mối nguy hại khác. Ở các làng nghề, người sử dụng lao động thường đánh giá thấp nguy cơ phát sinh từ những máy móc không được bảo dưỡng, bảo trì đầy đủ và nhu cầu về thiết bị bảo hộ. Nhiều lao động trẻ tin rằng, họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố liên quan đến công việc. Tương tự, người sử dụng lao động cũng không cần quan tâm đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, vì chưa bao giờ xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại nơi làm việc của họ.

Nâng cao nhận thức

Cũng theo ông Hà Tất Thắng, với hơn một triệu thanh niên bước chân vào thị trường lao động mỗi năm và đông đảo lao động trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24, chúng ta đã ban hành những chính sách, quy định cụ thể hướng tới bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho nhóm đối tượng đặc thù này. Dù vậy, vẫn còn những thách thức trong ngăn ngừa và giảm thiểu TNLĐ nói chung, gồm cả thách thức trong nâng cao nhận thức, kỹ năng và hiểu biết về việc tuân thủ các quy định ATVSLĐ của lao động trẻ.

Quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam M. Kwong nhấn mạnh, lao động trẻ là tương lai của việc làm. Do đó, người lao động, người sử dụng lao động, cũng như các cơ quan chức năng cần cùng chung tay xây dựng nơi làm việc an toàn và bảo đảm sức khỏe, nhằm bảo đảm tương lai bền vững cho mọi người lao động.

Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, cho biết thêm, thời gian qua, việc lồng ghép nội dung ATVSLĐ vào học đường đã được tiến hành tại Việt Nam. Để triển khai chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã dành một khoản ngân sách tập trung phát triển các chương trình đào tạo về ATVSLĐ trong các nhà trường, trước tiên áp dụng trong các trường dạy nghề, đại học, cao đẳng và đã được thẩm định. Hiện nay, có mười bộ giáo trình dành cho các khối ngành xây dựng, mỏ - địa chất, giao thông, kinh tế, bách khoa và các khối ngành liên quan đến các ngành điện - điện tử, y tế…

Mục tiêu của hoạt động này không chỉ dừng lại ở đối tượng học sinh - sinh viên trong các trường dạy nghề, mà sẽ phải mở rộng tới các học sinh trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và các cơ sở đào tạo khác. Đặc biệt, cũng cần trang bị các nội dung này trong chương trình cải cách giáo dục sắp tới. Cụ thể là nâng cao các nội dung về có kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng làm việc an toàn.

* Ngày thế giới An toàn và Sức khỏe 28-4 năm nay có chủ đề “Vì một thế hệ lao động an toàn và khỏe mạnh”. ILO phát động một chiến dịch nhằm hành động để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững, hướng tới mục tiêu tạo môi trường làm việc an toàn và an toàn cho tất cả người lao động vào năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh đến thế hệ lao động trẻ và mục tiêu loại bỏ các hình thức lao động trẻ em bất hợp pháp vào năm 2025.

ANH XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36107502-giam-nguy-co-mat-an-toan-lao-dong-cho-gioi-tre.html