Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức

Nói về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: 'Chúng ta phải có trách nhiệm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, không để đồng bào đứt bữa, ốm đau không được chữa bệnh, con em đến tuổi không được học hành…'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) quan tâm.

Không để đồng bào đứt bữa, ốm đau không được chữa bệnh, con em không được học hành

Về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng nói: "Đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới nơi phên giậu của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên".

"Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khó khăn, xuất phát điểm thấp, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức. Trên 30% hộ dân tộc thiểu số còn là hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc và miền núi chỉ bằng 44% bình quân chung cả nước", Thủ tướng nói.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng, phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. "Chúng ta phải có trách nhiệm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, không để đồng bào đứt bữa, ốm đau không được chữa bệnh, con em đến tuổi không được học hành…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trước hết, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các chương trình, chính sách hiện hành.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình 135 phát triển các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc rất ít người và Chính sách hỗ trợ người có uy tín… Đẩy mạnh thông tin truyền thông, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch, nhà ở và trợ giúp pháp lý.

Quan tâm phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, mang bản sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là du lịch, dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng. "Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc", Thủ tướng nêu rõ.

Loại ngay những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu

ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, gửi tới Thủ tướng hai câu hỏi, về thông điệp "Chính phủ kiến tạo” và việc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có Mỹ.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trả lời câu hỏi này, theo Thủ tướng, nội hàm của Chính phủ kiến tạo là chủ động thiết kế chính sách pháp luật để đất nước phát triển, không để bị động. Cùng với đó, Nhà nước không làm thay thị trường; kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, vươn lên ở nhóm các nước phát triển trong vấn đề này; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội phải tốt.

“Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương. Đặc biệt, phải thay ngay theo thẩm quyền những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, giao mãi không chịu làm, làm chậm trễ để nhân dân phải đợi thì kiến tạo được cái gì", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng cho hay thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Việt Nam đã tham gia TPP 12 bao gồm Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Bộ chính trị đã xem xét kiến nghị của Chính phủ và đồng ý để đoàn đàm phán thảo luận với các nước TPP 11.

"Mỹ là nền kinh tế lớn, nhưng Australia, Nhật, Mehico... cũng là nền kinh tế không nhỏ mà Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác, trao đổi đầu tư, thương mại", người đứng đầu Chính phủ nói. Thủ tướng nêu, xu thế tự do thương mại, hội nhập kinh tế là không thể đảo ngược. TPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn có lợi nên tiếp tục tham gia để giải quyết việc làm, xuất nhập khẩu.

THANH NHUNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/giam-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-van-con-nhieu-thach-thuc-d67044.html