Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi có tiến bộ nhưng chưa bền vững

Kết quả giám sát do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2012-2018' cho thấy, công tác giảm nghèo vùng DTTS, miền núi thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, chưa thật sự bền vững.

Diện mạo mới của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Báo cáo của Đoàn giám sát do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trình bày tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH diễn ra vào chiều 10-9 cho thấy, giai đoạn 2012-2018, ngân sách Trung ương đã bố trí cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV) giai đoạn 2012-2018 là 47.411,162 tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí 8.378,654 tỷ đồng; huy động từ các chương trình/dự án hợp tác quốc tế là 8.974 tỷ đồng. Ngoài ra, giai đoạn 2012-2015, kinh phí huy động từ các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp cho Chương trình 30A được 3.889,17 tỷ đồng; Quỹ vì người nghèo thực hiện mục tiêu giảm nghèo chung huy động được 3.989,42 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, huy động các nguồn lực khác để thực hiện chương trình giảm nghèo chung trên cả nước được 15.295 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Tính đến ngày 31-12-2018, hơn 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ là 46.159 tỷ đồng.

Cả Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đều cho rằng, cùng với nỗ lực thực hiện chính sách, tập trung nguồn lực, sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, diện mạo của vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, nhờ có CTMTQGGNBV mà có rất nhiều cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện, đó là những nỗ lực rất lớn, không thể phủ nhận. Cụ thể, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, miền núi. Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, việc thực hiện CTMTQGGNBV vùng DTTS, miền núi đã có tiến bộ rất rõ rệt. Về cơ bản, các chỉ tiêu do Quốc hội, UBTVQH đặt ra đều được thực hiện đạt và vượt. Thực tế đã xuất hiện nhiều điển hình hay, như một huyện có tới 104 hộ gia đình viết đơn xung phong thoát nghèo. Thông qua chương trình giảm nghèo, nhiều địa phương đã phát triển rất tốt bảo hiểm y tế tự nguyện. Riêng trong năm 2019 đã phát triển được 228.000 bảo hiểm y tế tự nguyện, vượt hẳn 14 năm qua. Trong điều kiện rất khó khăn, nhưng cũng có 87/2.139 xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 4,06%.

Cần có chính sách tập trung

Tuy nhiên, Đoàn giám sát của UBTVQH cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả giảm nghèo vùng DTTS, miền núi chưa thực sự bền vững, một số kết quả chưa thực chất, chất lượng giảm nghèo chưa cao. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 52,66% tổng số hộ nghèo cả nước; tỷ lệ hộ nghèo mới phát sinh cao so với hộ thoát nghèo, tập trung ở vùng DTTS, miền núi. Riêng vùng miền núi Tây Bắc có tỷ lệ tái nghèo lên tới 26,86%. Tỷ lệ hộ cận nghèo phát sinh ở vùng DTTS, miền núi cũng rất cao. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí cho mục tiêu giảm nghèo ở một số địa phương còn sai sót, phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước. Giai đoạn 2012-2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 102,879 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 141,478 tỷ đồng…

Từ con số nêu trên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Kết quả kiểm toán cho thấy phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Điều đó là do kiểm toán chặt chẽ hơn, hay do kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo, chưa nghiêm?

Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện CTMTQGGNBV đã được báo cáo giám sát và các đại biểu chỉ rõ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, chính sách sau này phải phân biệt rõ hơn, lựa chọn nhóm đồng bào DTTS nghèo nhất để tập trung chính sách. Cụ thể là 10 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 45,7% đến 83,9% là: La Hủ: 83,9%, Mảng: 79,5%, Chứt: 75,3%, Ơ Đu: 66,3%, La Ha: 47,7%, Co: 65,7%, Khơ Mú: 59,4%, Xinh Mun: 52,4%, Kháng: 46,1%, Mông: 45,7%.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần sớm có chính sách cụ thể để hỗ trợ đồng bào DTTS sản xuất nông-lâm nghiệp, đặc biệt là cố gắng nâng tiền dịch vụ bảo vệ rừng lên khoảng 600.000 đồng/ha rừng để bà con vùng DTTS miền núi có thể sống được dưới tán rừng, góp phần tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy quan trọng của đất nước.

Ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển, giảm nghèo bền vững ở khu vực DTTS, miền núi là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, dù đất nước vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên, do sự phân tán nguồn lực với rất nhiều chính sách khác nhau, cộng với những khó khăn rất đặc thù ở khu vực DTTS, miền núi dẫn tới hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao. Hy vọng, sau khi Chính phủ xây dựng đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi, trong đó có sự tích hợp toàn bộ chính sách phát triển vùng, đồng bào các DTTS, miền núi sẽ ngày càng thu hẹp khoảng cách với trình độ phát triển chung của cả nước…

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/giam-ngheo-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui-co-tien-bo-nhung-chua-ben-vung-590795