Giảm nghèo từ tín dụng chính sách

Những thành quả trong công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU tại các huyện miền núi Thanh Hóa nói riêng những năm qua đã và đang ghi dấu ấn về vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa). Nhờ những nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH mà nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Giảm nghèo từ tín dụng chính sách

Những thành quả trong công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU tại các huyện miền núi Thanh Hóa nói riêng những năm qua đã và đang ghi dấu ấn về vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa). Nhờ những nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH mà nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nhiều hộ dân xã Hóa Quỳ (Như Xuân) thoát nghèo từ vốn chính sách.

Gia đình chị Phạm Thị Thôn, dân tộc Mường ở thôn Me, xã Đồng Thịnh (Ngọc Lặc), trước đây, thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Để thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, năm 2015, chị Thôn được hội nông dân xã ủy thác cho vay 40 triệu đồng từ NHCSXH Ngọc Lặc, mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân trong xã và nuôi 5 con lợn sinh sản để nhân giống phát triển đàn lợn thịt. Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị cho xuất chuồng hơn 60 con lợn thịt, thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng.

Kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động của NHCSXH Thanh Hóa luôn xác định mục tiêu là giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, bảo đảm an sinh xã hội... Nhất là, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (khóa XVII) ban hành Nghị quyết 09 năm 2013 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”, NHCSXH Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực trong công tác hoạt động, sáng tạo trong cách làm. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được NHCSXH Thanh Hóa chuyển tải kịp thời, đáp ứng cơ bản về vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trải qua 16 năm hoạt động, hết tháng 5-2019, tổng nguồn vốn tín dụng NHCSXH Chi nhánh Thanh Hóa đạt hơn 9.300 tỷ đồng, với 24 chương trình tín dụng chính sách đã và đang triển khai. Tất cả các chương trình đều đang phát huy một cách hiệu quả, góp phần đắc lực vào công tác giảm nghèo. Để đạt được những hiệu quả trong việc chuyển tải nhanh chóng và quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách tốt, NHCSXH Thanh Hóa đã thực hiện phương thức ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị, xã hội, thực hiện bình xét công khai thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hoạt động tín dụng chính sách thực hiện ở 635/635 điểm giao dịch đặt tại các xã trên địa bàn tỉnh. Riêng nguồn vốn tín dụng chính sách tại 11 huyện miền núi trong 6 năm qua đã giúp cho 125.000 lượt đối tượng thụ hưởng được vay vốn, với doanh số đạt gần 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2014 - 2018 là 9,5% năm. Đến nay dư nợ đạt 3.885,9 tỷ đồng, tăng 1.552,6 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2014, với gần 140.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã chú trọng ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiệu quả tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ gia đình tại 11 huyện miền núi vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho hơn 3.800 lao động; giúp cho 4.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 64.400 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh nông thôn; trên 4.200 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...

Có thể nói, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện hiệu quả đã tác động tích cực trong việc thay đổi tư duy, nhận thức cho bà con vùng cao. Thời gian tới, để góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi, NHCSXH Thanh Hóa sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam, nguồn vốn địa phương, phối hợp với các hội, đoàn thể tập trung rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để mở rộng cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ vay. Tăng cường tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân; phối hợp với các cấp, các ngành làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn hộ vay, phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Mặt khác đề nghị chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ và tổ chức sản xuất tích lũy vốn để tái đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao đời sống.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/giam-ngheo-tu-tin-dung-chinh-sach/101974.htm