Giảm nghèo từ 'ngân hàng bò'

Nuôi bò vỗ béo, 'ngân hàng bò' đang là những mô hình giảm nghèo hiệu quả bền vững tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

 Ngân hàng bò và bò vỗ béo đang mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo tại các huyện miền núi Thanh Hóa. Ảnh: VH.

Ngân hàng bò và bò vỗ béo đang mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo tại các huyện miền núi Thanh Hóa. Ảnh: VH.

Trước đây, Chương trình 30a, 135 giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi Thanh Hóa thường được thực hiện bằng cách cấp bò giống, lợn giống, các loại giống cây trồng. Sau khi nhận con giống, không ít hộ bỏ bê, chăm sóc kém khiến hiệu quả giảm nghèo không như kỳ vọng.

Tuy nhiên, những năm gần đây chương trình giảm nghèo tại các địa phương này đã có sự chuyển biến rõ rệt về cách làm. Tại xã Lũng Niêm, việc cấp bò giống cho người dân tại đây được thực hiện theo mô hình ngân hàng... bò.

Theo mô hình này, hộ đầu tiên được nhận bò giống sẽ nuôi đến thời điểm bò sinh ra bê. Nếu bò được cấp sinh bê cái, hộ này sẽ chuyển con bê được sinh ra cho một hộ nghèo khác. Nếu là bê đực, con bê đực này sẽ được bên thực hiện dự án thu hồi bán và dành tiền mua một con bê cái cấp cho hộ nghèo khác. Cách làm này, ngoài việc cấp “cần câu” còn cho người nghèo ý thức cao hơn về phương pháp giảm nghèo.

Tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, mô hình này đang đem lại hiệu quả rõ nét khi 8 con bò được cấp thời gian gần đây đã bắt đầu sinh sản. Ông Hà Văn Tung, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm cho hay, việc cấp bò theo hình thức này vừa là nguồn vốn hỗ trợ nhưng cũng tạo ra động lực để các hộ nghèo, cận nghèo tham gia mô hình chăm sóc con bê được cấp một cách tốt nhất.

Nhờ các hộ tự giám sát lẫn nhau trong việc thực hiện dự án, chính quyền địa phương quản lý, theo dõi tốt hơn về con giống được cấp cho người dân. Con giống được sinh ra tại địa bàn sẽ thích nghi tốt hơn với khí hậu địa phương, phát triển nhanh hơn so với con giống được mua từ vùng khác về.

Bên cạnh ngân hàng... bò, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững với cách làm sáng tạo đã xuất hiện tại Thanh Hóa. Ảnh: VD.

Ngoài mô hình này, những năm gần đây, UBND xã Lũng Niêm còn tạo điều kiện để các hộ dồn đất xây dựng trang trại nuôi bò vỗ béo. Ông Hà Văn Đức, thôn Lặn Ngoài vừa được UBND xã Lũng Niêm đồng ý cho dồn đất vào một khu vực trên cánh đồng trong thôn để xây trại nuôi bò vỗ béo và nuôi lợn.

Mỗi năm, ông Đức mua 2 lần bê giống về nuôi vỗ béo, mỗi lứa chừng 10 con. Tính ra, sau 1-2 năm vỗ béo, gia đình ông có thể thu về trên dưới 200 triệu đồng. Cả xã có trên 1.400 hộ dân, có gần 500 hộ nuôi bò vỗ béo. Hộ ít vài ba con, hộ nhiều trên 10 con/lứa.

Theo ông Đức, do diện tích đất trồng cỏ, ngô của địa phương hạn hẹp nên số lượng bò vỗ béo trong dân chưa lớn. Tuy nhiên, đây gần như là một phương án thoát nghèo, làm giàu khả dĩ nhất trên địa bàn xã Lũng Niêm.

Bà Hà Thị Kiều, hiện có 7 con bò vỗ béo. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Kiều lãi khoảng 50 triệu đồng. Đó là một khoản tiề lớn với đồng bào Thái nơi đây. Nguyện vọng của bà Kiều là được xã tạo điều kiện để thuê đất 5% trồng cỏ, tăng số lượng đàn bò vỗ béo.

"Mô hình ngân hàng... bò, ngoài từ nguồn vốn 30a, chương trình 135 còn có các doanh nghiệp tham gia. Mô hình này được thực hiện tại huyện Bá Thước từ nhiều năm nay và đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo bền vững tại huyện miền núi này. Mô hình ngân hàng bò, nuôi bò vỗ béo hết sức hiệu quả. Trước hết, bà con được tập huấn sẽ hiểu rõ hơn về quy trình nuôi bò vỗ béo, nâng cao ý thức duy trì đàn bò giống địa phương. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình tập huấn, đồng bào dân tộc miền núi biết tận dụng diện tích đất ven các bờ suối, đất bỏ hoang để trồng cỏ, ngô để chăn nuôi gia súc". Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước chia sẻ.

Võ Dũng - Văn Hùng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giam-ngheo-tu-ngan-hang-bo-d293602.html