Giảm nghèo ở Húc Động

Húc Động là xã vùng sâu, vùng xa ở hyện Bình Liêu với 606 hộ dân sinh sống, đa số là người dân tộc thiểu số, trong đó người Sán Chỉ chiếm 82,3%. Với nỗ lực của tỉnh, huyện và phát huy nội lực của mỗi người dân, cuộc sống ở Húc Động đã có những thay đổi đáng kể.

Người dân xã Húc Động (Bình Liêu) phơi quế sau thu hoạch.

Người dân xã Húc Động (Bình Liêu) phơi quế sau thu hoạch.

Những ngày này, người dân xã Húc Động khá bận rộn với công việc thu hoạch vỏ cây quế. Hương quế thơm lừng trên những cánh rừng, trên các nẻo đường dẫn đến từng thôn, bản. Nhà nào không có rừng quế thì đi bóc vỏ quế thuê, người thì thu mua vỏ quế để vận chuyển tiêu thụ ra ngoài tỉnh, khiến không khí nơi đây luôn rộn ràng.

Thời gian qua, xã Húc Động còn tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ để phát triển kinh tế, giúp người dân nơi đây giảm nghèo, như: Hỗ trợ giống, công cụ sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... Từ năm 2016 đến nay, xã đã hỗ trợ hơn 390 hộ nghèo, hộ cận nghèo 116 con lợn giống, 161.640kg giống dong riềng, mua máy xát dong riềng, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ hàng trăm nhà ở cho hộ khó khăn...

Ngôi nhà của bà Trọng Thị Có, thôn Pò láng, xã Húc Động hoàn thành vào cuối năm 2019 từ chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Đi cùng cán bộ Mặt trận tổ quốc xã, chúng tôi đến gia đình bà Trọng Thị Có (SN 1936, thôn Pò Láng). Lúc này, trong nhà chỉ còn bà với mấy cháu nhỏ, còn mọi người đã đi làm rừng. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của xã. Căn nhà bà ở nằm trên sườn đồi, trước là nhà đất lụp xụp; mỗi khi mưa bão đến, bà đều nơm nớp lo nhà đổ. Năm 2019, từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của trung ương, của tỉnh và vay thêm họ hàng, bà đã xây được ngôi nhà mới khang trang. Bà bảo: “Giờ có nhà mới rồi, tôi không còn lo không có chỗ ở khi mưa bão nữa. Tuy tuổi cao, nhưng tôi cũng cố gắng cùng các con phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững”.

Được biết, hằng năm xã đều tiến hành rà soát đến từng thôn, khe số hộ nghèo, cận nghèo; khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, từ đó có biện pháp giúp đỡ hiệu quả nhất. Bên cạnh triển khai các chương trình hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, Húc Động còn phát huy nội lực bằng cách vận động các hộ khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát nghèo, như: Trồng cây quế, hồi, dong riềng...

Cơ sở sản xuất miến dong của ông La A Chiu ( thôn Nà Ếch, xã Húc Động) bao tiêu sản phẩm củ dong cho bà con trong xã . Ảnh: Công Thành (chụp tháng 7/2019).

Mỗi năm, người dân ở xã trồng khoảng 53ha dong riềng/năm để phục vụ sản xuất miến dong. Hiện 50% số hộ dân xã có rừng quế, hồi, tổng diện tích 1.000ha; Nhiều gia đình không có rừng để trồng quế, hồi thì tham gia thu mua, sản xuất miến dong, thu mua vỏ quế, hoa hồi, khai thác nhựa thông, làm dịch vụ vận chuyển, bóc vỏ quế, khai thác hoa hồi thuê cho những hộ khác... Ông Trạc A Thìn (bản Lục Ngù) cho biết: “Ở xã, mùa thu hoạch quế vào tầm tháng 3 âm lịch; thu hoạch hồi vào tháng 4, tháng 8 âm lịch. Nếu chịu khó đi bóc quế, thu hái hoa hồi thuê, mỗi ngày cũng được khoảng 200.000 đồng/người. Ở xã còn có rất nhiều các dịch vụ khác để tạo việc làm cho người lao động nên thu nhập của bà con nơi đây khá ổn định”.

Nhiều nhà 2 tầng khang trang được bà con xây dựng ở xã Húc Động.

Về phía tỉnh, huyện cũng đã tập trung các nguồn lực đầu tư điện, đường, trường, trạm y tế, nước sinh hoạt... cho Húc Động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây. Nhờ đó, đời sống của bà con đã có những thay đổi đáng kể. Năm 2019, Húc Động đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.

Đầu năm 2019, Húc Động còn 94 hộ nghèo, 166 hộ cận nghèo, thì đến đầu năm 2020 chỉ còn 34 hộ nghèo, 73 hộ cận nghèo. Mục tiêu của xã đặt ra trong năm nay là giảm 11 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. Ông Sằn A Choóng (thôn Pò Láng) phấn khởi nói: “Bây giờ điều kiện sinh hoạt, đi lại, kinh tế của bà con đã khác trước rất nhiều. Ngoài tập trung phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi còn vận động nhau cùng giữ gìn vệ sinh trong thôn, bản; di dời chuồng trại xa nơi ở để phòng dịch bệnh. Các hộ đều có ý thức chủ động thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước như trước”.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202005/giam-ngheo-o-huc-dong-2482302/