Giảm nghèo nhờ sản xuất trong lũ

Mùa lũ năm nay, nhiều hộ dân ở TX. Tân Châu tập trung sản xuất với nhiều mô hình như: nuôi lươn, nuôi cá tra giống, chăn nuôi vịt, làm ruộng, rẫy… từ đó cuộc sống ổn định hơn.

Trồng nấm rơm, nuôi lươn…

“Lũ năm nay lớn hơn nhiều năm gần đây, các loại rau màu có giá, trong đó có nấm rơm. Gia đình tôi trồng được 3.000m2, mỗi đợt thu hoạch khoảng 240kg, bán cho thương lái với giá 60.000 đồng/kg, tương đương với số tiền gần 15 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống được cải thiện” - ông Nguyễn Thanh Kháng (xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) thông tin. Hộ ông Kháng là một trong nhiều hộ nghèo và cận nghèo ở TX. Tân Châu tổ chức sản xuất trong mùa lũ. Năm nay “lũ đẹp”, ngoài phù sa, lũ còn mang theo nhiều tôm cá, vì vậy các hộ dân ở khu vực đầu nguồn đã tận dụng lợi thế này, tranh thủ bắt ốc để làm thức ăn cho lươn. Tại các xã: Phú Lộc, Tân An, Long An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, bà con nuôi rất nhiều lươn để bán kiếm tiền. “Năm nay lũ lớn, lươn có giá, có thời điểm thương lái mua đến 164.000 đồng/kg, nhờ vậy nhiều gia đình nông dân nơi đây có cuộc sống ổn định” - bà Trần Thị Lệ (xã Tân An, TX. Tân Châu) cho biết.

Để tạo điều kiện cho hộ nghèo và cận nghèo có cuộc sống tốt trong mùa lũ, những năm qua, TX. Tân Châu đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho người dân như: trồng nấm rơm, chăn nuôi vịt, nuôi lươn… Sau khi tổ chức các lớp dạy nghề, địa phương xem xét cấp vốn hoặc cho vay với lãi suất thấp để bà con mang kiến thức mà mình đã học, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo và cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Ngoài dạy nghề, những hộ này còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho con em họ đến trường học chữ, lấy con chữ để vươn lên thoát nghèo. “Gia đình quá nghèo không có tiền cho con ăn học. Chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để con tôi được đến trường. Gia đình tôi động viên con mình phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng chính quyền địa phương, lấy cái chữ để dựng nghiệp” - bà Võ Thị Lan (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

…Đến nuôi cá tra giống

Mùa lũ năm nay, trên địa bàn TX. Tân Châu, ngoài những hộ tổ chức trồng nấm rơm, nuôi lươn, làm rẫy, các hộ nuôi cá bán chợ, nuôi cá tra giống cũng trúng mùa, trúng giá. Hộ ông Trần Văn Khéo (xã Vĩnh Xương) là điển hình trong số đó. “Tôi có nghề nuôi cá tra giống nhưng không có tiền làm vốn để thả cá bột, người bạn của tôi có tiền nhưng lại không có nghề nghiệp ổn định. Chúng tôi hùn với nhau để nuôi cá tra giống. Trong vụ sản xuất đầu tiên, do thời tiết không thuận lợi, cá hao hụt nhiều nên bị thua lỗ. Không nản chí, chúng tôi thả lại vụ thứ 2, vụ này vừa trúng sản lượng vừa trúng giá. Thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, cá có kích cỡ 30 con/kg, tôi bán được 72.000 đồng/kg, nhờ đó thu hồi được vốn và có lời” - ông Khéo phấn khởi.

Ngoài ông Khéo, ở TX. Tân Châu nhiều hộ có tay nghề nuôi cá tra đã kết hợp những hộ có vốn để nuôi cá giống. Hai địa phương có nghề ương nuôi cá tra giống mạnh là xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Xương. Năm nay, cá tra xuất khẩu có giá tốt, kéo theo những hộ ương giống có cuộc sống khấm khá hơn. “Năm nào cá tra xuất khẩu mạnh, năm đó các mặt hàng cá chợ như: điêu hồng, cá he, cá hú, mè vinh, cá lóc, cá trê… đều có giá. Năm nào cá tra xuất khẩu không thuận lợi, các công ty mang cá ra chợ bán, từ đó dẫn đến tình trạng “thừa hàng, dội chợ” - ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) thông tin.

Sản xuất trong lũ đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn TX. Tân Châu. Thay vì chờ hỗ trợ, các hộ dân nơi đây đã biết tự tìm “phương kế sinh nhai” vươn lên trong cuộc sống. Ngoài những hộ đi Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm, những hộ ở lại địa phương cũng có việc làm ổn định. Thời gian tới, TX. Tân Châu có kế hoạch đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn để những hộ này có việc làm ổn định, tự vươn lên trong cuộc sống.

“Hàng năm, địa phương kết hợp các ngành có liên quan tổ chức dạy nghề cho người nghèo như: mở lớp dạy trồng nấm rơm, nuôi lươn, chăn nuôi vịt trên đệm lót sinh học… Những hộ này sau khi được hỗ trợ vốn, đa phần bà con đều sản xuất thành công, từ đó cuộc sống được cải thiện đáng kể. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, giảm số hộ nghèo ở địa phương theo hướng bền vững” - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc (TX. Tân Châu) Nguyễn Văn Dũng thông tin.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/giam-ngheo-nho-san-xuat-trong-lu-a232919.html