Giảm nghèo bền vững và phát triển chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số

Giảm nghèo bền vững và phát triển chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi là những vấn đề được quan tâm trong Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội…

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, TP. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải Miền trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước.

Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thường tập trung sinh sống ở vùng núi cao, biên giới, là những vùng có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta; đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái. Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giai đoạn 2016 - 2018, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng thực hiện, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Hỗ trợ gạo giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo tóm tắt đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (giai đoạn 2016 - 2018) của Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc có tính chất đặc thù, phù hợp với nhu cầu thực tiễn như: Chính sách hỗ trợ ưu tiên học sinh vùng đồng bào khó khăn, tuyển sinh và ưu tiên học tập cho học sinh dân tộc thiểu số rất ít người; Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách văn hóa, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật...

Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra. Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư trên 9.100 công trình, duy tu, bảo dưỡng gần 3.300 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo; tập huấn cho 103.000 người, dạy nghề cho khoảng 720.000 ngàn người dân tộc thiểu số, góp phần giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đã cho 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%...

Công tác đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục được quan tâm, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng giống nòi của một số dân tộc thiểu số đang bị suy giảm.

Giai đoạn 2016 - 2018, các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã được triển khai đồng bộ. Đến tháng 8-2018, đã có 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 % (toàn quốc đạt tỷ lệ 38,32%)…

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, để nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố nền tảng, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành hữu quan, thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ. Cụ thể: Tiếp tục quy hoạch, mở rộng hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường Phổ thông dân tộc bán trú; hỗ trợ kinh phí, gạo cho các em thuộc hộ DTTS nghèo có điều kiện học tập nâng cao trình độ;

Đánh giá đúng đắn thực trạng các trường dạy nghề cho con em DTTS để có sự điều chỉnh phù hợp, theo hướng sau học nghề phải kiếm được việc làm; Đẩy nhanh việc nghiên cứu, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các nhà quản lý, các Bộ, ngành địa phương để sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Đề án Đào tạo Tiến sỹ, Thạc sỹ cho người DTTS bằng nguồn ngân sách Nhà nước và Cơ chế đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức người DTTS công tác ở vùng DTTS và miền núi trong hệ thống chính trị…

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giam-ngheo-ben-vung-va-phat-trien-chat-luong-nguon-nhan-luc-vung-dan-toc-thieu-so-127018.html