Giảm ngập nước và câu chuyện gian nan kiểm soát rác thải

Dù rằng thành phố đã chi rất nhiều kinh phí để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng những năm qua vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm… thực tế có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác, nhưng chính yếu vẫn là xoay quanh vấn đề về ý thức của mỗi người dân trong việc kiểm soát rác thải.

 Rác sinh hoạt nằm "ngổn ngang" quanh khu vực sống của người dân. Ảnh: Xuân Dự

Rác sinh hoạt nằm "ngổn ngang" quanh khu vực sống của người dân. Ảnh: Xuân Dự

Thời gian qua, tình hình ngập nước trên địa bàn TPHCM đang ngày càng nghiêm trọng hơn gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của kinh tế xã hội, một trong những nguyên nhân gây nên là do hành vi xả rác ra đường và kênh rạch làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước của người dân.

Tại hội nghị giao ban thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” (Chỉ thị số 19-CT/TU) vào sáng 17-7 do UBND TP tổ chức, nhiều đại biểu của các quận, huyện cho hay hiện nay tình trạng vứt, xả rác ra đường, những nơi công cộng vẫn đang rất phổ biến, làm cho tình trạng ngập nước ở các địa phương ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Đơn cử, ông Trần Quang Thảo, Chủ tịch UBND quận 8, cho biết địa phương này đang gặp thách thức không nhỏ trong việc xử lý rác thải trên 43 tuyến sông, kênh, rạch lớn nhỏ trên địa bàn. “Một bộ phận hộ dân ở trên và ven kênh rạch vẫn còn thói quen xả rảc thải trực tiếp xuống kênh, rạch kết hợp với tình trạng bồi lắng tích tụ rảc thải, dần hình thành nên điểm mất vệ sinh môi trường, có nguy cơ phảt sinh dịch bệnh và tắc nghẽn dòng chảy gây nên tình trạng ngập nước”, ông Thảo nói.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho biết tình trạng lấy rác chậm trễ của tổ rác dân lập ở nhiều nơi, đôi khi diễn ra từ 3-6 ngày làm cho rác phát tán gây ô nhiễm môi trường khu vực dân cư. Số lượng dân nhập cư ngày càng tăng, thường xuyên thay đổi chỗ ở nên hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân, nhất là đối vởi công nhân ở trọ chưa cao.

Ngoài ra, liên quan đến công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng tại các điểm nóng như vùng ven thành phố, một số đại biểu cho rằng công tác giải quyết chưa triệt để, việc tổ chức cưỡng chế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật, nên đã hình thành các khu vực dân cư tự phát, không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, không có hệ thống cấp thoát nước, rất khó khăn trong công tác thu gom rác…

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt, đại diện UBND phường 4, quận Tân Bình kiến nghị, hiện nay tổ rác dân lập không thu gom các loại rác thải như bàn ghế, đồ dùng đã qua sử dụng, xà bần, sẽ giải quyết như thế nào? Đồng thời đề nghị chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển của lực lượng vệ sinh dân lập.

Về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết cơ quan này đang khẩn trương trình duyệt Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TPHCM đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục thực hiện tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, đồng thời chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo hoàn thành vào năm 2020.

Bà Thanh Mỹ thông tin thêm, kết quả 8 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 19, theo khảo sát của UBND 24 quận, huyện có 369 “điểm đen” về rác thải (các điểm ô nhiễm do tồn động rác thải), hiện đã xóa được 319 điểm, trong đó có 12 điểm được chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng (sân chơi thể thao, vườn hoa,…); lắp đặt được 19.056 thùng rác công cộng trên các tuyến đường.

Tại các địa phương tương tự như Quận 8, hiện nay các tuyến sông, kênh, rạch thường xuyên được chính quyền và người dân tổ chức cắt cỏ, vớt rác, lục bình, nạo vét bùn, đất , khơi thông dòng chảy nhằm bảo đảm thông thoáng, thoát nước.

Về giải quyết các khu vực bị ngập nước do mưa, triều cường; công tác xử lý tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước: Các quận, huyện đã chủ động tập trung triển khai, đầu tư duy tu, nâng cấp, sữa chữa các tuyến hẻm, tuyến đường nội bộ, nạo vét các hầm ga, đường cống thoát nước để giảm và xóa dần các diểm, khu vực ngập nước.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết tinh thần của Chỉ thị số 19 là cuộc vận động, đòi hỏi thực hiện kiên trì, tạo sự chuyển biến từ nhận thức cho đến hành động của người dân, khi thực hiện các hoạt động, chương trình về môi trường cần tiếp tục duy trì bằng nhiều hình thức như phát triển thêm những giải pháp mới khác, nhân rộng mô hình hay phù hợp với từng địa phương.

Từ đó, ông đề nghị tất cả các quận, huyện tập trung tuyên truyền người dân không xả rác ra đường, nơi công cộng, kênh rạch, vận động người dân lưu giữ rác trong nhà, chỉ mang ra khi có lực lượng thu gom, vận động người dân nhà mặt tiền đường, hộ kinh doanh giữ gìn vệ sinh phần trước nhà, vỉa hè. Ngoài ra, khi tổ chức các sự kiện, lễ hội cần bổ sung nội dung tổng vệ sinh là nhiệm vụ gắn liền thì nơi tổ chức sạch sẽ, gọn gàng.

Ngô Kiếm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291609/giam-ngap-nuoc-va-cau-chuyen-gian-nan-kiem-soat-rac-thai.html