Giảm lãi suất điều hành: Ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra

Các chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm thêm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành. Các chuyên gia cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là động thái phù hợp ở thời điểm hiện tại bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã quyết định hạ lãi suất cơ bản 0,25%, từ biên độ 2-2,25% xuống biên độ 1,75-2%.

Động thái phù hợp

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định nhanh về động thái cắt giảm lãi suất trên thực tế không quá bất ngờ khi cách đây gần hai tháng, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.

BVSC đánh giá tác động của việc giảm các loại lãi suất tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu... Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam hướng mục tiêu trực tiếp vào khối lượng cung tiền, thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2, không như Fed hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.

Theo BVSC, việc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định cắt lãi suất mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới.

[Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành]

Còn các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng, lãi suất cơ bản vẫn tồn tại nhưng vai trò rất mờ nhạt, sau khi được sử dụng để bình ổn thị trường vào năm 2008, từ 2010 trở đi, Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản mà chỉ trả lời khi có văn bản từ phía các đơn vị là 9%/năm.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ yếu thông qua các lãi suất trong các giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại bao gồm: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất mua kỳ hạn giấy tờ có giá (gọi tắt là lãi suất OMO) và lãi suất tín phiếu. Các lãi suất này đều vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm.

Cụ thể, theo các chuyên gia của SSI, thị trường mở (giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại) và thị trường liên ngân hàng (giữa các ngân hàng thương mại với nhau) có tính liên thông cao do đều là kênh cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Lãi suất OMO thường dao động trong khoảng từ lãi suất tái chiết khấu đến lãi suất tái cấp vốn và cũng là công cụ được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên sử dụng nhiều nhất, cùng với lãi suất tín phiếu, để điều tiết lãi suất trên liên ngân hàng.

Cũng theo phân tích của SSI, trong điều kiện bình thường, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng thường dao động trong vùng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì nếu lãi suất đi vay từ các ngân hàng thương mại khác quá cao thì ngân hàng cần vốn sẽ tìm đến kênh OMO của Ngân hàng Nhà nước. Ngược lại, nếu lãi suất cho vay trên liên ngân hàng xuống qua thấp, các ngân hàng thương mại dư thừa vốn sẽ quay sang mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. Vì lãi suất tín phiếu và OMO là công cụ điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước nên mức biến động sẽ không lớn như lãi suất liên ngân hàng mang tính thị trường.

“Những khi thanh khoản nóng lên, lãi suất liên ngân hàng có thể vượt qua lãi suất OMO, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại đã sử dụng hết các loại giấy tờ có giá để huy động trên OMO. Vì vậy, các ngân hàng thương mại nào càng nắm giữ nhiều giấy tờ có giá như hối phiếu, lệnh phiếu, trái phiếu Chính phủ thì càng giảm thiểu được rủi ro thanh khoản,” chuyên gia của SSI nhận định.

Thời điểm phù hợp để giảm lãi suất điều hành

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nhận định về quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng, ông không bất ngờ trước thông tin Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, quyết định này là động thái phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Ông Lực chỉ ra 3 lý do chính là: trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất. Trong đó, Fed và nhiều nước trong nhóm nền kinh tế mới nổi đã giảm lãi suất. Thứ hai, ở thời hiện tại và cả năm nay, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, CPI 8 tháng qua tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm thì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc hiện tại giữ được lạm phát tương đối thấp là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất.

Thứ ba, theo ông Lực, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua.

Bình luận về việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới, vị chuyên gia này cho rằng sẽ cần có lộ trình và độ trễ nhất định vì khi các tổ chức tín dụng vay từ Ngân hàng Nhà nước, có thể vay dưới dạng tái cấp vốn, vay liên ngân hàng qua đêm… chỉ ở những trường hợp nhất định ví dụ như có các gói tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải ưu tiên, hỗ trợ… Nếu các ngân hàng thương mại tham gia các gói hỗ trợ đó thì sẽ được vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp hơn một chút và đương nhiên, mức vay sẽ không nhiều.

Đồng tình với chủ trương này, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Trung-Mỹ nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất giúp ngân hàng giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc giảm lãi suất có khả năng làm tăng lạm phát vì với chi phí vốn rẻ sẽ khuyến khích người vay nhiều hơn. Theo đó, tiền được đẩy nhiều vào lưu thông và có thể gây áp lực tăng lạm phát. Bên cạnh đó, giảm lãi suất có khả năng đẩy tỷ giá lên. Song mức độ tăng thế nào có lẽ cũng còn chờ mức độ thẩm thấu chính sách và tác động từ những thông số khác nữa như tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán…

“Theo tôi, giảm lãi suất điều hành lúc này là cần thiết giúp tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, vì hiện tại xuất khẩu đang yếu hơn so với năm ngoái. Nếu điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh thêm lãi suất điều hành để tác động sâu, mạnh hơn đối với thị trường và nền kinh tế,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng nhận định, trong điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (thị trường giữa các ngân hàng thương mại với các tổ chức kinh tế và cá nhân). Tuy vậy, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% so với vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư nên tính liên thông từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) xuống thị trường 1 cần một thời gian dài.

“Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại yếu thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động lên khá cao, nới rộng khoảng cách với lãi suất huy động của nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Tuy nhiên, với tỷ trọng trên 70% thị phần huy động và cho vay, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần lớn mới đóng vai trò quyết định trong xu hướng lãi suất chung của thị trường 1,” chuyên gia SSI phân tích.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-lai-suat-dieu-hanh-on-dinh-mat-bang-lai-suat-dau-ra-125508.html