Giảm lãi suất điều hành có làm giảm giá vốn trong dài hạn?

Qua việc giảm lãi suất điều hành 0.25%/năm , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) muốn hướng tới việc giảm lãi suất cho vay nhưng điều này sẽ khó xảy ra trong ngắn hạn, tuy nhiên có thể kích thích xuất khẩu nhẹ qua tỷ giá tăng.

NHNN đã có quyết định giảm thêm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành lần đầu tiên kể từ tháng 10/2017

NHNN đã có quyết định giảm thêm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành lần đầu tiên kể từ tháng 10/2017

Động thái được chuẩn bị trước

NHNN vừa quyết định giảm thêm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày NHNN 16/9/2019. Đây là lần đầu tiên NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành kể từ cuối năm 2017.

Cụ thể, theo Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN được các chuyên gia đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới cũng đã giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), động thái giảm lãi suất điều hành này không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, NHNN đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.

BVSC cho rằng trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều NHTW các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, NHNN Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.

“Chúng tôi đánh giá tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu... Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như Fed hay Ngân hàng Trung ương Châu âu (ECB) là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất,” công ty chứng khoán này phân tích.

BVSC cho rằng các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.

Theo đó, ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường. Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của NHNN mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới.

Giảm lãi suất kéo theo tỷ giá tăng

Trên lý thuyết, việc giảm lãi suất sẽ kéo theo đồng tiền giảm giá, hay tăng tỷ giá đồng đôla so với tiền đồng.

Sau quyết định giảm lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 16/9, tỷ giá trung tâm đã nhích dần từ mức 23.130 đổi 1 đôla lên 23.135 và 23.143 đổi 1 đôla trong 2 ngày sau đó.

Giá mua vào và bán ra của đồng đôla tại các ngân hàng thương mại như Vietcombank cũng bật tăng lên ngưỡng 23.180 và 23.300 cho một đôla trong ngày 17 và 18/9, tăng 15 đồng so với ngày đầu tuần và 30 đồng tại cả hai chiều mua-bán so với cuối phiên giao dịch tuần trước đó.

Một số ngân hàng thương mại khác cũng niêm yết giá bán đồng bạc xanh lên quanh mức 23.300 đổi một đôla.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất điều hành có thể giúp NHNN điều chỉnh tỷ giá tăng ở một mức độ vừa phải, đi cùng bệ đỡ là một lượng dự trữ ngoại hối vào khoảng hơn 68 tỷ đôla, tỷ giá sẽ không có biến động quá mạnh và tạo chất xúc tác kích thích xuất khẩu trong thời điểm hiện tại.

Chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc giảm lãi suất điều hành tại thời điểm hiện tại là yếu tố cần để giúp tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, do xuất khẩu đang yếu hơn so với năm ngoái.

Có giảm được lãi suất cho vay?

Theo báo cáo nhận định về Nguyên nhân và tác động của việc NHNN giảm lãi suất điều hành của Công ty Chứng khoán SSI, thông điệp cơ quan này hướng đến là giảm mặt bằng lãi suất qua đó làm giảm chi phí vốn và không nhất thiết là nới lỏng tiền tệ.

Sau khi có thông tin giảm lãi suất điều hành, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh xuống 2,78%/năm (giảm 20 điểm cơ bản) và lợi tức trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 1-3 năm giảm từ 6-12 điểm cơ bản xuống quanh mức 2,6%/năm.

SSI qua đó nhận định trong trung hạn, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ dao động trong khoảng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO (từ 2,75%/năm đến 4,5%/năm). Trong điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng sẽ tạo cơ sở để các NHTM điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho các tổ chức kinh tế và cá nhân.

Trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ các kỳ hạn ngắn trên thị trường thứ cấp là 2 đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ việc điều chỉnh lãi suất OMO. Dù việc giảm lãi suất điều hành sẽ khó có thể có giảm mặt bằng lãi suất cho vay ngay lập tức, nhưng ít nhất sẽ không tăng lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng khá mạnh thời gian qua.

Trang Nguyễn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/giam-lai-suat-dieu-hanh-co-lam-giam-gia-von-trong-dai-han-1568802698739.htm