Giám khảo Shark Tank bản Mỹ, Australia bị chỉ trích vì xúc phạm CEO nữ

Tại các phiên bản khác của Shark Tank trên thế giới, không ít lần các 'cá mập' đưa ra những nhận xét bị coi là thiếu tôn trọng nữ giới.

Phát sóng lần đầu tại Mỹ vào năm 2009, chương trình truyền hình thực tế Shark Tank thu hút người xem nhờ những màn gọi vốn, đàm phán và cả tranh cãi giữa các nhà đầu tư "cá mập" (shark) với các doanh nhân khởi nghiệp.

Các phiên bản khác do Bồ Đào Nha, Australia, Việt Nam mua bản quyền sản xuất cũng nhận về sự chú ý lớn.

Tuy nhiên, ngoài phong thái doanh nhân và các phát biểu sắc bén, thể hiện tư duy thành công, không ít lần các giám khảo Shark Tank vấp phải phản đối khi có những lời lẽ phân biệt, định kiến lên nữ giới.

 Chương trình Shark Tank phiên bản Mỹ. Ảnh: ABC.

Chương trình Shark Tank phiên bản Mỹ. Ảnh: ABC.

"Cá mập" xúc phạm phụ nữ

Tập đầu tiên của mùa 9 Shark Tank Mỹ phát sóng vào tháng 10/2017 khiến nhiều người xem khó chịu khi giám khảo kiêm tỷ phú Mark Cuban gọi nữ CEO Yuna Kim là “kẻ đào mỏ” (nguyên văn: gold digger).

Mặc dù tỷ phú này cho biết không có ý xúc phạm, thuật ngữ này vẫn bị coi là chứa nội dung tiêu cực về giới tính.

Với ứng dụng thiền Simple Habit, Kim định giá thương hiệu của mình trị giá 12 triệu USD và đưa ra lời đề nghị 600.000 USD cho 5% cổ phần.

Các con số Kim đưa ra ở mức cao nhưng cô gái nói điều này xứng đáng vì cô đã có sẵn lượng người dùng nhất định và các nhà đầu tư khác.

Sau màn giới thiệu sản phẩm, Mark Cuban cảm thấy rằng Kim đã có đủ số tiền cần thiết, không cần kêu gọi vốn thêm vì cô đã có sẵn kế hoạch mời những người nổi tiếng khác tham gia dự án của mình.

“Cô đúng là một kẻ đào mỏ. Cô không đến đây để tìm kiếm một thỏa thuận mà chỉ muốn quảng cáo sản phẩm”, Cuban nói với Kim. Gương mặt của nữ CEO lộ rõ vẻ sốc khi nghe câu nhận xét.

Nữ CEO Yuna Kim sốc khi bị nhà đầu tư Shark Tank gọi là kẻ đào mỏ. Ảnh: Next Shark.

Bình luận này vấp phải phản đối từ các shark khác.

“Câu nói đó mang tính công kích cá nhân. Tôi nghĩ thật thiếu tôn trọng khi nói bạn ấy không xứng đáng có mặt ở đây chỉ vì đã huy động được tiền”, shark Robert Herjavec nói. Nhà đầu tư Richard Branson ngồi cạnh tán thành, nói rằng chương trình dành cho các đối tượng với nhiều lĩnh vực kinh doanh và hoàn cảnh khác nhau.

Sau khi Kim ra về tay không, Cuban cố gắng thanh minh những gì đã nói.

“Khi tôi gọi người phụ nữ này là kẻ đào mỏ, đó không phải là sự thiếu tôn trọng đối với cô ấy hay những gì cô ấy có thể làm. Tôi thấy thực tế là dù nhận hay không nhận được khoản đầu tư mới, Kim cũng sẽ không quan tâm. Đó là điều ai cũng nhìn ra”, vị tỷ phú nói.

Tháng 4/2018, Steve Baxter, giám khảo của Shark Tank Australia, bị phản đối sau khi có những bình luận mang tính hạ thấp phụ nữ.

Tanya Wood, người sáng lập và chủ sở hữu của Sunburst Outdoor Living, một doanh nghiệp nhỏ sản xuất đệm ngoài trời, tham gia chương trình với đề nghị 40.000 USD cho 20% cổ phần.

Nhà đầu tư Steve Baxter của Shark Tank Australia bị phản đối vì dùng lời nói nặng nề với phụ nữ. Ảnh: Stuff.

Tanya rơi vào lúng túng khi “cá mập” Baxter đặt câu hỏi về lý do mức doanh thu giảm dần.

Sau khi giải thích công việc kinh doanh đình trệ do bản thân gặp nhiều khó khăn khi vừa duy trì làm mẹ vừa kiếm tiền, Tanya bị nam giám khảo chê trách “không đủ quyết tâm”.

“Bạn cho tôi cảm giác bạn không tự tin chút nào. Câu trả lời của bạn là ‘tôi đã cố gắng nhưng không làm được’. Đáng nhẽ bạn không nên chấp nhận điều đó và đấu tranh tiếp. Thật không may, phụ nữ thường có xu hướng như vậy", nhà đầu tư lớn tiếng sau khi Tanya thừa nhận bản thân lo lắng.

“Bạn nghĩ tại sao lại có chênh lệch lương giữa hai giới? Bởi vì có những người như bạn. Bạn có đến 3 người con gái, hãy thay đổi thế giới đi. Bạn cần thể hiện sự hung hăng hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ", vị shark này tiếp tục.

Cụm từ nguyên văn “sexist pig” khiến nhà đầu tư khác là Glen Richards phản đối kịch liệt, còn Tanya cố kìm nước mắt.

Màn tranh luận này nhanh chóng khiến khán giả Australia tranh cãi. Vị “cá mập” bị chỉ trích là dùng lời lẽ quá nặng nề, áp đặt và khinh miệt phụ nữ. Một số người còn đề nghị Baxter nên đưa ra lời xin lỗi công khai trên truyền hình.

"Tôi kéo cao váy để gây chú ý với đàn ông"

Năm 2016, Barbara Corcoran, giám khảo nổi tiếng của Shark Tank Mỹ kiêm nhà đầu tư bất động sản, chia sẻ lời khuyên kinh doanh gây tranh cãi cho phụ nữ.

Tôi thấy điều hành công việc kinh doanh trong thế giới đàn ông là một lợi thế lớn. Tôi mặc đồ sáng màu, kéo cao váy và gây chú ý”, Barbara viết trên Twitter.

Barbara Corcoran là 1 trong 4 giám khảo của Shark Tank Mỹ ngay từ mùa đầu tiên. Ảnh: BI.

Chia sẻ trên nhanh chóng bị “ném đá”. Công chúng chỉ trích với tầm ảnh hưởng nhất định, Barbara đã đưa ra lời khuyên không phù hợp, đi ngược lại với nỗ lực phụ nữ chứng minh năng lực, xóa bất bình đẳng giới mà xã hội đang hướng đến.

Nhà sáng lập Tập đoàn Corcoran sau đó xóa bài đăng nhưng phản bác lại. Trong Shark Tank Mỹ, Barbara nổi tiếng ăn nói thẳng tính, nhiều khi thô lỗ.

"Tôi hoàn toàn tin vào những gì mình nói. Bất kể là phụ nữ hay đàn ông, bạn thực sự phải làm nổi bật những ưu điểm của bản thân”.

Doanh nhân 72 tuổi nói rằng mình sử dụng "đôi chân tuyệt vời" để gây chú ý.

“Tôi chắc chắn mình mặc váy ngắn, để lộ chân, tiến vào phòng và khiến những người còn lại để mắt. Tôi nghĩ đó là một mánh lới quảng cáo tuyệt vời, không liên quan đến tình dục”.

Nữ doanh nhân này lập luận thêm rằng đàn ông cũng có những cách riêng khác với phụ nữ để tạo sự hòa nhoáng cho bản thân như hút xì gà, đi siêu xe, đeo đồng hồ đắt tiền.

Ở Shark Tank, các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ thường bị định giá thấp hơn so với công ty do đàn ông đứng đầu. Ảnh: Mashable.

Phân biệt giới tính

Trong bài viết Shark Tank funds fewer women than men, with less money, tác giả Samantha Cooney đánh giá giống như tình trạng thiếu công bằng nữ giới phải chịu ở Thung lũng Silicon, phụ nữ cũng có những thua thiệt nhất định so với nam giới khi xuất hiện trên Shark Tank.

Theo phân tích của Cooney, ít phụ nữ xuất hiện trên show truyền hình thực tế này hơn đàn ông và các công ty do nữ giới đứng đầu thường bị định giá thấp hơn đáng kể so với các đồng nghiệp nam.

Các công ty do nam giới thành lập nhận được định giá trung bình gần 1,7 triệu USD, trong khi các công ty do phụ nữ thành lập chỉ hơn 781.000 USD, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Halle Tecco, một fan hâm mộ của Shark Tank kiêm giám đốc điều hành Rock Health, một công ty hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe kỹ thuật số.

Theo báo cáo của tổ chức phụ nữ NWBC, nam giới có nhiều khả năng thương lượng với "cá mập" hơn phụ nữ với 48,0% nam giới đưa ra lời đề nghị ngược lại, trong khi chỉ 34,4% nữ giới làm như vậy,

Khi các doanh nhân nữ gọi vốn thành công trong Shark Tank Mỹ, số tiền chủ yếu đến từ hai shark nữ: Barbara Corcoran đầu tư vào các công ty do nữ giới làm chủ chiếm 48%, trong khi Lori Grenier đầu tư 29% - nhiều hơn tất cả nhà đầu tư nam khác.

Theo Ruchika Tulshyan, cây viết của Forbes, điều đáng thất vọng nhất là việc các "cá mập" nam dùng các nhận xét phân biệt giới tính để chỉ trích một số doanh nhân nữ xuất hiện trong chương trình.

"Tôi thấy các CEO nữ bị gọi là quá hung dữ, quá xúc động hay bị chê thiếu hiểu biết kinh doanh. Các CEO nam giới hiếm khi phải nghe những lời như vậy".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giam-khao-shark-tank-ban-my-australia-bi-chi-trich-vi-xuc-pham-ceo-nu-post1214514.html