Giảm hệ lụy kép

Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, nhưng chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29. Những con số rất quan ngại trên khiến nhiều người giật mình khi Việt Nam đang là một 'cường quốc' về sử dụng rượu, bia.

Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm. Ảnh: Minh họa

Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân của người trên 15 tuổi chủ yếu là từ rượu bia đã tăng 75% sau 5 năm. Đặc biệt, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng đáng báo động, tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép khá cao, tới 47,5%.

Thế nên, không ngạc nhiên khi bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (60%); gây bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội (30%); tác động trực tiếp và gián tiếp cho 200 loại bệnh và nguyên nhân của 8,3% số trường hợp tử vong.

Cùng với đó, sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng đã gây ra hàng trăm vụ ngộ độc với hàng nghìn người mắc, hàng chục người tử vong trong thời gian qua.

Nguy hại hơn, chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300USD người/năm. Thiệt hại của rượu bia lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh của rượu bia mang lại.

Do vậy, ngay khi dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia được Bộ Y tế trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đã nhận được sự đồng tình và quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Dư luận rất bức xúc khi một số doanh nghiệp lấy lý do doanh thu từ rượu bia (năm 2017, toàn ngành rượu, bia đóng góp hơn 50.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước) để ngụy biện cho những tác hại của rượu bia đối với những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và đời sống xã hội.

Dư luận đồng tình với mục đích dự án Luật là thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả về sức khỏe, xã hội, kinh tế do sử dụng rượu, bia gây ra thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; bảo đảm nguồn lực để phòng chống tác hại rượu, bia, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.

Một trong những điểm quan trọng trong xây dựng Luật là ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân; giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra. Theo phản ánh của nhiều cử tri, bất cập nhất hiện nay là quản lý rượu thủ công. Thực tiễn đã cho thấy, lượng rượu sản xuất thủ công chiếm tỷ lệ khoảng 70% và chất lượng không bảo đảm, ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe của người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách.

Để bảo đảm tính toàn diện và tính khả thi của dự án Luật, các đại biểu Quốc hội yêu cầu cơ quan có chức năng quản lý phải tăng cường các biện pháp và chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi bất hợp pháp và vô đạo đức trong việc sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm rượu, bia kém chất lượng. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm hơn trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa, hợp pháp. Các tổ chức xã hội và cá nhân cũng có trách nhiệm tham gia cùng với cơ quan Nhà nước trong việc kiểm soát này.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giam-he-luy-kep/