Giảm hàng nghìn biên chế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 'vượt khó'

Trong ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV, HĐND TP Hà Nội đã kiện toàn công tác nhân sự của Thủ đô. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã thông qua Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Hà Nội sẽ chi hơn 800 tỷ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên. Năm 2020, Hà Nội cũng sẽ giảm hơn 8.000 biên chế.

500 doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ sản xuất

Theo đề án, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường, góp phần cải thiện chỉ số PCI của thành phố (TP); nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân khoảng 10%/năm (bình quân khoảng 30.000 doanh nghiệp mới/năm), phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 TP có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: Tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và trên 30% ngân sách TP. Ngoài ra, Hà Nội đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: Công nghệ thông tin; công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thành công.

Dự kiến, kinh phí thực hiện đề án là hơn 832 tỷ đồng từ ngân sách TP và hơn 125 tỷ đồng từ kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia.

Giảm 8.801 biên chế năm 2021

Một trong những nội dung quan trọng được HĐND TP Hà Nội đã xem xét, thông qua là tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2021. Theo đó, Hà Nội giảm 8.801 biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2021. Cụ thể, năm 2021, biên chế hành chính của TP là 9.003 biên chế, trong đó, biên chế công chức là 7.927 biên chế, giảm 115 biên chế so với năm 2020; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ là 1.076 chỉ tiêu, giảm 361 chỉ tiêu so với năm 2020. HĐND TP Hà Nội cũng quyết định biên chế sự nghiệp là 135.383 biên chế, trong đó biên chế viên chức là 116.380 biên chế, giảm 6.385 biên chế so với năm 2020. Các lĩnh vực giảm gồm: Giảm trừ từ nguồn biên chế dự phòng còn chưa sử dụng 2.585 biên chế; giảm do chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ để giảm biên chế hưởng lương ngân sách; 30 đơn vị sự nghiệp giảm 1.913 biên chế; giảm 734 biên chế viên chức giáo dục khối mầm non do giảm 9.838 số học sinh; giảm 201 biên chế viên chức tại các trường cao đẳng nghề do giảm 1.352 số học sinh, sinh viên; giảm 256 biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp ngoài giáo dục, y tế theo chủ trương tinh giản biên chế (bảo đảm lũy kế giảm 10%); giảm 696 biên chế viên chức theo tỷ lệ tự chủ từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp y tế đã tự chủ một phần chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, bởi đây là nội dung quyết định đến khả năng có tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp được 10% giai đoạn 2021-2025 hay không, đặc biệt là xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, tính toán thành lập các trường liên cấp, đẩy mạnh thành lập các trường ngoài công lập; đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc; nâng cao dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn...

Hà Nội có tân Chủ tịch HĐND và 5 Phó Chủ tịch UBND TP

Trong phiên họp buổi chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND TP đã thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND TP nhiệm kỳ với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và xem xét bầu chức vụ Chủ tịch HĐND TP với đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Kết quả, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn trúng cử chức vụ Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021. Từng đảm nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng nhiều năm, cuối năm 2010, tại Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2016, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Tháng 4-2016, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội. Tháng 10-2020, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

HĐND TP Hà Nội cũng đã tiến hành nội dung kiện toàn công tác nhân sự bầu mới 5 Phó Chủ tịch UBND TP, trong đó người nhiều tuổi nhất sinh năm 1967, người ít tuổi nhất sinh năm 1975. Tại phiên họp, HĐND TP đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP với các ông: Nguyễn Văn Sửu; Nguyễn Thế Hùng; Nguyễn Quốc Hùng; Ngô Văn Quý; Nguyễn Doãn Toản (đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội phân công giữ chức Trưởng Ban Dân vận Thành ủy). Với đa số phiếu thuận, các ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Hà Minh Hải - Bí thư Quận ủy Đống Đa và ông Dương Đức Tuấn - Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm được HĐND TP Hà Nội bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.

Hà Nội có thêm 27 đường phố mới

Ngày 9/12, với 93/93 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020, gồm 27 đường, phố đề nghị đặt tên mới (trong đó 10 đường, phố mang tên địa danh và tên khác; 17 đường, phố mang tên danh nhân) và 3 phố điều chỉnh độ dài của 11 quận, huyện, thị xã.

T.Linh

Ngọc Yến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/giam-hang-nghin-bien-che-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-vuot-kho-622950/