Giảm giờ làm: Hiệu quả tích cực

Đây là quan điểm của ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN), trước việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Quốc hội xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường từ 'không quá 48 giờ trong một tuần' xuống 'không quá 44 giờ trong một tuần'.

Tránh quá tải cho người lao động

Việt Nam, theo đánh giá nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên) và xếp thứ 3 trong số nhóm các quốc gia có giờ làm việc thực tế cao nhất. Thực tế trong ngành Công Thương, đa số doanh nghiệp (DN) đều áp dụng chế độ làm việc 48h/tuần. Chế độ làm việc này cùng với việc làm thêm giờ nhiều đã dẫn đến tình trạng lao động bị quá tải, dễ xảy ra tai nạn lao động.

Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với người lao động tại cơ sở

Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với người lao động tại cơ sở

Theo CĐCTVN năm 2018, toàn ngành đã xảy ra 352 vụ tai nạn lao động, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất, cơ khí luyện kim, sử dụng và vận hành các loại máy, thiết bị... Đây là những khu vực lao động nặng nhọc, độc hại và đòi hỏi người lao động (NLĐ) phải làm việc với cường độ cao, không đủ thời gian để hồi phục sức khỏe, tái tạo sức lao động.

Được biết, trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, CĐCTVN đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Điều lệ công đoàn, chế độ, chính sách cho NLĐ tại một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc. Qua kiểm tra sơ bộ tại một số đơn vị đã áp dụng chế độ làm việc từ 40h - 44h/tuần như: Công ty Liên doanh Dây đồng Việt Nam (40h/tuần); Công ty Tôn Phương Nam (44h/tuần); Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (40h - 44h/tuần)… cho thấy, đây đều là những DN thực hiện tốt chế độ đối với NLĐ, năng suất lao động ổn định. Điều này chứng minh, việc giảm giờ làm khiến cho năng suất lao động của nhiều DN ổn định hoặc tăng mạnh. "Kết quả này bắt nguồn từ sự hào hứng, năng động và sáng tạo của NLĐ khi đã dành đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình" - lãnh đạo CĐCTVN chia sẻ.

Giảm tỷ lệ thất nghiệp

Trong báo cáo quý I/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ghi nhận số người thất nghiệp ước gần 1,1 triệu người. Trong khi đó, vẫn còn nhiều lao động phải làm việc 48h/tuần, thậm chí làm thêm giờ quá nhiều.

Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy cho rằng, giảm giờ làm chính là một trong những biện pháp tạo cơ hội việc làm cho lao động đang thất nghiệp. Thực tế, giải pháp này đã mang lại hiệu quả nhất định đối với nhiều DN tại Anh (với 6 triệu người làm việc trên 45 giờ/tuần và gần 2 triệu người không có việc làm, việc giảm giờ làm và thuê thêm nhân công là giải pháp cho tình trạng thất nghiệp tại Anh); Hàn Quốc (quy định giảm giờ làm việc chính thức xuống còn 40 giờ mỗi tuần đã tạo hàng nghìn việc làm cho NLĐ đang thất nghiệp tại đất nước này)... và nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu cũng khẳng định, tình trạng thất nghiệp được cải thiện do giảm giờ làm là một trong những giải pháp mang lại nền kinh tế cân bằng và bền vững.

Theo CĐCTVN, giảm giờ làm là phù hợp với xu hướng chung hiện nay. Theo đó, tăng cường thay đổi giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động để tăng năng suất, chứ không phải tăng thời gian làm việc. CĐCTVN mong muốn có thêm các đơn vị trong ngành Công Thương cho lao động làm việc 40h - 44h/tuần và được quy định rõ tại nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể… của đơn vị.

Chủ tịch CĐCTVN TrầnQuang Huy:

Giảm giờ làm nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ và là một trong những biện pháp tạo cơ hội việc làm cho những lao động đang thất nghiệp.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-gio-lam-hieu-qua-tich-cuc-126988.html