Giảm giá vé dài kỳ kết thúc: Nhiều phim Việt sẽ có thêm cơ hội đạt doanh thu trăm tỷ?

Trong 2 năm trở lại đây, các phim thi nhau tạo lập các kỷ lục như Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố. Tuy nhiên, số lượng phim 'mấp mé' trăm tỷ như Cô Ba Sài Gòn, Tháng năm rực rỡ... với chất lượng cao nhưng chưa đạt con số đầy mơ ước bởi nhiều lý do, một trong số ấy chính là ở mức giá vé.

Thị trường điện ảnh Việt Nam cũng như thị phần phim chiếu rạp tại nước ta đang ngày càng phát triển qua từng năm. Với số lượng phim bom tấn nước ngoài được nhập về ngày càng nhiều trong mỗi tuần (từ 3-6 phim), cùng với tỷ lệ phim Việt được sản xuất tăng lên, nền công nghiệp điện ảnh nước nhà đang trở nên rộng mở.

Trong 2 năm trở lại đây, các phim thi nhau tạo lập các kỷ lục như Em chưa 18 (doanh thu 171 tỷ đồng và chưa có phim nào vượt qua), Siêu sao siêu ngố (phim Việt chiếu Tết có doanh thu phòng vé cao nhất với 106 tỷ đồng). Tuy nhiên, số lượng phim “mấp mé” trăm tỷ như Cô Ba Sài Gòn, Tháng năm rực rỡ… khiến nhiều khán giả tiếc nuối bởi chất lượng cao nhưng chưa đạt con số đầy mơ ước bởi nhiều lý do, một trong số ấy chính là ở mức giá vé.

Tháng năm rực rỡ được ngợi khen về chất lượng nhưng doanh thu vẫn chưa đột phá.

Cụ thể, từ tháng 6/2017, các hệ thống rạp phim đã áp dụng chương trình khuyến mãi đồng giá 45 - 49,000 đồng (giá gốc từ 70 - 120,000 đồng) cho tất cả các phim và tất cả các suất chiếu từ thứ Hai đến chủ nhật tại một số cụm rạp (khoảng 20% số rạp phim tại Việt Nam). Song song đó, những chương trình ưu đãi dài hạn dành cho học sinh sinh viên của các rạp áp dụng mức giá 45,000 đồng cho mọi suất chiếu của mình. Điều này giúp cho khán giả đến rạp nhiều hơn khi mà giá vé chỉ bằng một ly trà sữa, nhưng đồng thời khiến cho phim Việt giảm doanh thu tối đa như mong muốn.

Khi con là nhà của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Nhà sản xuất Cô Ba Sài Gòn từng đưa ra con số 60 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu. “So với Tấm Cám: Chuyện chưa kể thì số lượng vé bán ra của Cô Ba Sài Gòn năm nay gần như gấp đôi; tuy nhiên, doanh thu của bộ phim này chỉ mới xấp xỉ trên 60 tỷ”. Đây có vẻ như là điều khá ngạc nhiên, bởi vì vào năm 2016, Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được trình chiếu tại một hệ thống rạp có số lượng cụm rạp lớn nhất, nhưng doanh thu vẫn cao hơn Cô Ba Sài Gòn được chiếu ở tất cả hệ thống. Ngoài ra, trong 1 năm qua, số lượng cụm rạp tại Việt Nam cũng đã tăng hơn 20%. Tuy nhiên, chính mức giảm giá vé đã gây ảnh hưởng đến con đường “trăm tỷ” của bộ phim.

Cô Ba Sài Gòn có lượng khách gấp đôi so với Tấm Cám, thế nhưng doanh thu lại không bằng.

Còn với Tháng năm rực rỡ - bom tấn phim Việt 2018 đã thu về 80 tỷ đồng sau 3 tuần công chiếu, với hơn 1,23 triệu lượt xem. Cũng giống như Cô Ba Sài Gòn, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khó lòng chạm đến cột mốc trăm tỷ vì các chính sách giảm giá vé của rạp. Hiện nay, mức giá vé trung bình là 65,000 đồng, còn ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái khi Em chưa 18 “oanh tạc” phòng vé, mức trung bình là khoảng 75,000 đồng (bộ phim đã thu về 150 tỷ đồng với 2 triệu lượt xem sau 15 ngày). Nếu áp dụng mức giá cũ, cộng thêm với số lượng rạp chiếu tăng 20% so với năm trước và lượng khán giả cũng mở rộng ra nhiều tỉnh thành, Tháng năm rực rỡ đã có thể ghi tên mình vào câu lạc bộ phim trăm tỷ của Việt Nam.

Dù sở hữu dàn cast nổi tiếng nhưng Tháng năm rực rỡ vẫn chưa thể ghi dấu vào câu lạc bộ phim Việt trăm tỷ.

Mùa phim chiếu Tết có lẽ là ngoại lệ về vấn đề giá vé. Mặc dù những cụm rạp nói trên vẫn áp dụng ưu đãi, nhưng giá vé trung bình tăng lên ở các cụm rạp khác, giúp cho doanh thu phòng vé trở nên khả quan hơn. Bằng chứng là, Siêu sao siêu ngố đã lập kỷ lục với con số 106 tỷ đồng, mặc dù chất lượng phim vẫn là điều tranh cãi giữa khán giả và giới chuyên môn.

Siêu sao siêu ngố của Trường Giang lập kỷ lục cho mùa phim Tết.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, khi giá vé giảm, mặc dù gây ảnh hưởng phần nào đến khả năng tạo dựng kỷ lục của các nhà sản xuất phim Việt, nhưng nó lại làm tăng cơ hội khán giả tiếp cận đến phim chiếu rạp. Với mức giá tương đương hay thậm chí chưa bằng một ly trà sữa, nhiều người đã đến rạp nhiều hơn trước. Nếu trước đây, thói quen xem phim chỉ áp dụng vào mỗi tháng khi giá vé ở ngưỡng cao 80 - 120,000 đồng kèm theo bắp rang - nước uống khiến tổng “chi phí thiệt hại” cho mỗi buổi xem phim dành cho 2 người là khoảng 300 - 350,000 đồng, thì với mức giảm sâu của các hệ thống rạp, khán giả đã đến rạp nhiều hơn. Tỷ lệ người xem phim 2 tuần/ lần hay thậm chí mỗi tuần một lần đã tăng lên đáng kể. Điều này giúp cho thị phần phim điện ảnh nói chung, không phân biệt phim Việt hay phim nước ngoài, ngày càng rộng mở. Việc hình thành thói quen xem phim rạp thường xuyên sẽ có lợi cho những tác phẩm trong nước, giống như các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan hay Trung Quốc đã tạo dựng.

Từ ngày 02/04/2018, các hệ thống rạp phim bắt đầu chấm dứt các chương trình khuyến mãi đã nói trên, trừ ưu đãi dành cho học sinh sinh viên. Các nhà làm phim Việt như trút bỏ một gánh nặng trên vai, giảm bớt âu lo về mức giá ảnh hưởng đến doanh thu phim. Tuy nhiên, hành động này của các rạp có thể sẽ tác động đến lượng khán giả xem phim, khi mức giá trở lại cao như ban đầu. Giờ đây, họ sẽ không chỉ đến rạp như một thói quen, mà phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn các tác phẩm để thưởng thức và chắc chắn rằng, chất lượng của phim chính là tiêu chí hàng đầu. Vì lẽ đó, các nhà sản xuất phim Việt cần nghiêm túc tập trung vào “chất”, thay vì “lượng”. Quy luật đào thải đối với các bộ phim ở mỗi tuần sẽ tăng cao, áp lực cạnh tranh cũng vì thế mà mạnh lên.

Ông ngoại tuổi 30 hiện đang trình chiếu…

Yêu em bất chấp sắp ra mắt.

11 niềm hy vọng.

100 ngày bên em

Em gái mưa.

Hoặc Hai Phượng đều sẽ tăng thêm cơ hội đạt doanh thu cao hơn.

Hãy cùng chờ xem trong thời gian tới, những bộ phim Việt nào có thể ghi danh vào danh sách trăm tỷ doanh thu phòng vé nhé.

Tiến Đạt

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/giam-gia-ve-dai-ky-ket-thuc-nhieu-phim-viet-se-co-them-co-hoi-dat-doanh-thu-tram-ty-2506121.html